Ngày 16/10, Trường tiểu học Thanh Xuân Trung ra thông báo: Ngay sau khi phát hiện nguồn nước có mùi lạ, nhà trường đã sử dụng nước uống đóng bình Lavie để nấu cơm và nấu canh cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho biết: Hiện nay, nhà trường đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ nguồn nước sông Đà do Công ty Viwaco cung cấp.
Ngày 16/10, do hệ thống tạm ngừng cung cấp nước để súc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải nước sạch nên Công ty Viwaco đã dùng xe bồn chở nước sạch đến trường để sử dụng sinh hoạt tạm thời.
Nhà trường sẽ thực hiện thau bể nước theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng và sẽ tiếp tục sử dụng nước uống đóng bình Lavie để nấu ăn cho học sinh cho đến khi các cơ quan chức năng thông báo nguồn nước đảm bảo.
Còn tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn, sau khi phát hiện nước dùng sinh hoạt hàng ngày có mùi lạ cùng với nắm bắt thông tin về nguyên nhân, nhà trường đã phối hợp với bên Công ty Thực phẩm Ngôi Sao Xanh dùng nước đóng bình Lavie nấu ăn cho học sinh, bắt đầu từ thứ hai, ngày 14/10.
Bà Nguyễn Thúy Hiếu- hiệu trưởng nhà trường cho biết: Song song với việc sử dụng nước đóng bình, trường sẽ dùng thêm nước sạch từ các xe téc do thành phố Hà Nội hỗ trợ, đồng thời thau rửa toàn bộ bể nước cũ, đợi đến khi có thông báo khắc phục xong sự cố thì bơm nước mới vào.
Cũng trong ngày 16/10, Phòng GD&ĐT Thanh Xuân đã có văn bản gửi hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn, khuyến cáo các trường không dùng nước sông Đà để nấu ăn.
Theo đó, văn bản yêu cầu các trường học nghiêm túc thực hiện các nội dung theo khuyến cáo tại cuộc họp báo của UBND thành phố. Chỉ nên dùng nguồn nước này để tăm giặt, không nên dùng để nấu ăn. Đồng thời, dùng nguồn nước đóng chai, đóng bình của các đơn vị khác thay thế, đảm bảo mọi hoạt động bán trú của học sinh diễn ra bình thường.
Các nhà trường cần tuyên truyền sâu rộng cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh được biết, rà soát nguồn nước sử dụng thay thế cho học sinh bán trú. Các trường phải báo cáo ngay lên Phòng GD&ĐT cũng như UBND quận nếu nhà trường thiếu nước sạch.
Ông Phạm Gia Hữu- Trưởng Phòng GD&ĐT Thanh Xuân cho biết: Hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn quận đã uống nước đóng bình, vấn đề còn lại chỉ là hệ thống nước dành cho hoạt động bán trú tại các trường tiểu học và mầm non.
Một số trường có máy lọc nước cho hoạt động bán trú nhưng trường không có hệ thống lọc sẽ phải mua nước đóng bình để giải quyết tình thế. Tuy nhiên, việc mua bình chỉ đủ để nấu trước mắt. Còn việc rửa, sơ chế đồ ăn, vẫn phải dùng nước thường. Trường hợp trường nào thiếu kinh phí khi mua nước đóng chai, phải báo cáo quận ngay để có giải pháp, không để học sinh ăn, uống bằng nước ô nhiễm.
Tại quận Hoàng Mai, nhiều trường đã sử dụng nước bình hay mua nước sạch từ công ty khác để phục vụ bữa ăn bán trú tại trường từ đầu tuần, như Tiểu học Đại Từ hay Tiểu học Chu Văn An.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, cho biết chỉ có vài trường trên địa bàn quận sử dụng nước sông Đà, còn lại phần lớn trường sử dụng nước từ nhà máy ở Pháp Vân nên không bị ảnh hưởng. Từ ngày 14/10, các trường đã sử dụng nước bình và mua nước sạch từ đơn vị cung cấp nước khác để rửa thực phẩm, nấu ăn bán trú.
Ngày 15/10, sau khi UBND thành phố ra kết luận nước ô nhiễm và có khuyến cáo, nhà máy nước ở Pháp Vân đã hỗ trợ cung cấp nước cho toàn bộ trường bị ảnh hưởng trên địa bàn quận. Hiện, mọi hoạt động liên quan đến bếp ăn bán trú của các trường trong quận diễn ra bình thường.
Một trong những quận có số lượng trường học sử dụng nước sông Đà nhiều nhất là quận Hà Đông. Bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, địa bàn Hà Đông có 128 trường học. Hầu hết các trường đều dùng nguồn nước sông Đà.
Nhiều trường học ở đây đã có hệ thống lọc nước sạch từ khi xây bếp ăn nên có thể an tâm hơn một chút. Còn lại các trường khác, nếu chưa có hệ thống lọc, Phòng GD&ĐT quận cũng khuyến cáo các đơn vị tạm mua nước đóng bình để nấu bán trú.
Vào 9h sáng ngày 10/10/2019, UBND Thành phố Hà Nội nhận được tin báo phản ánh của một số người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông qua đường dây nóng với nội dung: Nguồn nước sinh hoạt tại một số khu vực có mùi khét nồng nặc, có váng dầu. Sau đó, TP đã lập tổ công tác kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà.
Qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Hà Nội, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian). Chỉ tiêu mùi vị là không đạt. Mùi “khét” do chất Styren có từ dầu thải gây ra, kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l).