8 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí

GD&TĐ - Thủ tướng đã ban hành Quyết định về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với 8 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội sáng 23/5.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội sáng 23/5.

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Sáng ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Bộ trưởng Phớc cho biết, năm 2022, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc kịp thời của các cấp các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Trong đó, bao gồm: thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các định mức, tiêu chuẩn chế độ.

Thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản...

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

Trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời...

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Do đại dịch Covid-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…còn diễn biến phức tạp.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1658 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...

Kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện

Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong THTK, CLP năm 2022.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.

Ngoài ra, việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực..

Trong thời gian tới, Ủy ban TCNS đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về THTK, CLP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ