Nhấn mạnh điều này, trong tham luận tại hội thảo "Ứng dụng CNTT tạo bài giảng mầm non sáng tạo" tổ chức mới đây, ông Ngô Văn Đức (Trung tâm Đào tạo E-Learning - Viện đại học mở Hà Nội) cho rằng: Trong môi trường eLearning, trở ngại lớn nhất là có sự giãn cách đối với người học, người thầy sẽ không thể nhận biết được người học có đang chăm chú, theo dõi hay đang buồn chán đối với bài học để có thể điều chỉnh, thay đổi phương pháp học tập phù hợp.
Một thách thức nữa cũng rất cần quan tâm đó là tỷ lệ bỏ học của người học eLearning luôn cao hơn so với người học truyền thống.
Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân góp phần làm ảnh hưởng đến tình trạng trên đó là người học thiếu động lực học tập và ngược lại, các sản phẩm học tập nói chung còn thiếu sự thu hút, chú ý và tập trung đối với người học.
Tạo được động lực học tập để duy trì và thúc đẩy người học là việc không hề dễ dàng. Một vấn đề mà giảng viên luôn phải đối mặt là tạo ra các chiến thuật động lực, để có chiến thuật tốt thì cấn có các ý tưởng tốt và sự cần bằng của các ý tưởng đó.
Từ đó, ông Ngô Văn Đức chia sẻ một số nguyên cơ bản nhất để có thể được áp dụng. Những nguyên tắc này được gọi là cơ bản vì nó hoàn toàn phù hợp với các giảng viên và những người thiết kế có ít kinh nghiệm trong môi trường eLearning.
Mục tiêu rõ ràng:
Mục tiêu là kỳ vọng, là mong đợi của người học. Họ cần phải biết một cách cụ thể họ sẽ nhận được gì sau khi học xong bài học. Tính rõ ràng còn thể hiện ở chỗ mỗi mục tiêu sẽ giải quyết 1 phần hoặc 1 nhóm đơn vị kiến thức, thường thì 1 mục tiêu tương ứng với 1 nội dung trong bài hoc.
Đảm bảo nhất quán:
Dạng thức nhất quán cả về cấu trúc bài học và cách thức trình bày. Thể hiện sự liên kết chặt chẽ, logic và đồng nhất của các nội dung trong bài học. Điều này, cho phép người học nhanh chóng hiểu được nội dung nghiên cứu, bài tập, và các yêu cầu khác.
Một giờ học hấp dẫn |
Cấp độ kiến thức phù hợp:
Kỹ thuật rẽ nhánh nội dung nên được cân nhắc và tạo ra nhằm phù hợp với trình độ của đối tượng học tập. Người học dễ nhàm chán khi họ không hoặc chưa đủ kỹ năng để tiếp nhận kiến thức hiện tại, họ có thể chuyển hướng ở cấp độ thấp hơn hoặc ngược lại.
Một hướng dẫn rõ ràng trước các kiến thức với điều kiện tiên quyết cho bài học, môn học và đảm bảo rằng các kỹ năng và tài liệu phù hợp với trình độ kỹ năng cơ bản của người học.
Luôn định hướng:
Bài giảng phải cung cấp hướng dẫn rõ ràng, các tiêu chuẩn cần đạt được và cách thức đánh giá phù hợp với nội dung học tập. Nội dung nên tập trung vào định hướng, giải thích, dẫn nhập những kiến thức then chốt chứ không hoàn toàn là thuyết giảng.
Luôn hỗ trợ:
Bài giảng cung cấp cho người học các mức độ hỗ trợ khác nhau có liên quan, đặc biệt là trong khâu đánh giá. Nên tạo cơ hội cho người học cơ hội nhận thức thông qua việc giải thích các đáp án với nhiều cấp độ khác nhau. Tạo tâm thế gần gũi và thân thiện.
Tương tác:
Thiết kế bài học nên có các hình thức tương tác khác nhau, tạo cơ hội cho người học tự trải nghiệm, tự đánh giá bản thân và thể hiện tính cá nhân hóa trong hoc tập.
Quyền tự chủ:
Cung cấp cho người học một mức độ kiểm soát cá nhân như một cách để họ hoàn thành khóa học. Họ có quyền được lựa chọn nội dung, đơn vị kiến thức mong muốn, phù hợp. Ví dụ, cung cấp cho họ khả năng để lựa chọn thứ tự các chủ đề hay lĩnh vực mà họ muốn nghiên cứu. Đa dạng các kênh thông tin giúp cho người học thành công hơn là chỉ có một cách duy nhất để đạt được mục tiêu hoc tập.
Định hướng hoàn thành:
Làm thế nào để người học kiểm soát được bản thân khi hoàn thành được mục tiêu?. Cần thông báo tiến trình học tập cũng như nhiệm vụ mà người học cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu đó. Khuyến khích và động viên để thúc đẩy họ thực hiện một cách tốt nhất và cung cấp sự tự tin đạt được mục tiêu cuối cùng của bài học.