8 năm quý như vàng bố mẹ nhất thiết đừng bỏ phí của con, vì đã trôi qua là coi như mất!

GD&TĐ - Những năm đầu đời là nền tảng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sẽ diễn ra trong suốt đời người – cái nền này có tốt hay không là tùy thuộc ở bố mẹ!

8 năm quý như vàng bố mẹ nhất thiết đừng bỏ phí của con, vì đã trôi qua là coi như mất!

Mọi bậc cha mẹ đều muốn con mình phát huy được hiệu quả nhất những tiềm năng – từ thể chất đến trí tuệ, từ kỹ năng vận động, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, sự phát triển tâm lý và cảm xúc… Thành quả này cần đóng góp rất quan trọng từ bố mẹ, nhưng chúng ta có thể làm được đến đâu, và có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến thế nào?

Viện Phát triển Nhi thuộc Đại học Yale đã ghi lại sự phát triển của hàng ngàn đứa trẻ nhằm giúp những người làm cha mẹ hiểu được điều này, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn về cách chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ con để bé có thể phát triển tốt nhất. Theo đó:

Năm đầu đời của bé: phát triển cảm giác an toàn 

Năm đầu đời là lúc những bỡ ngỡ, những khó khăn, những sự phát triển lùi có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Điều tốt nhất bố mẹ có thể làm cho bé lúc này là yêu thương, ở bên con, rộng rãi về cả thời gian lẫn sự kiên nhẫn cho bé.

Khi đứa trẻ biết rằng mình được yêu và quý giá với bố mẹ, chúng cũng được gieo những hạt giống niềm tin và hạnh phúc với thế giới, sự lạc quan và tích cực với tương lai – những điều chắc chắn bố mẹ nào cũng mong cho con mình.

Năm thứ hai của bé: phát triển sự hài hước

Tuổi lên 2 là lúc tốt nhất để nuôi dưỡng sự hài hước cho một đứa trẻ – một trong những yếu tố quan trọng giúp bé trở nên thú vị và hấp dẫn với người khác. Sự hài hước giúp mỗi chúng ta vượt khỏi vòng tròn của riêng mình để kết nối với người khác, bằng nụ cười. Và bố mẹ có thể giúp phát triển điều này bằng cách chú ý quan tâm đến việc mở rộng những mối quan tâm cho con, tạo nhiều tình huống hài hước, thú vị trong cuộc sống.

(Ảnh: Internet)

Năm thứ ba của bé: nuôi dưỡng tính sáng tạo

Tính sáng tạo của đứa trẻ đâm chồi nảy lộc khi bé lên 3, từ bản tính sinh động và tò mò tự nhiên, và sẽ phát triển tốt nhất trong môi trường phù hợp, được tạo nhiều điều kiện cho tham gia các hoạt động sáng tạo như đọc truyện, tự sáng tác nên những câu chuyện kể, vẽ tranh, chơi đùa ngoài trời, vầy nước, nghịch bùn…
Không chỉ thế, các hoạt động như làm vườn, chăm sóc thú cưng, thường xuyên được đến những địa điểm văn hóa đa dạng như bảo tàng, triển lãm… cũng đều là những việc tốt để nuôi dưỡng tư duy của bé.

Năm thứ tư của bé: phát triển nhanh về ngôn ngữ

Đứa trẻ 4 tuổi nhà bạn có phải đột nhiên nói rất nhiều? Bố mẹ đừng cười trêu khi bé dùng từ sai vì việc làm vô ý đó sẽ dễ khiến bé trở nên lo lắng, thiếu tự tin, hình thành tật nói lắp hoặc thậm chí là sẽ không muốn nói nữa.

Và cùng với việc nói như khướu, bé cũng sẽ hỏi rất nhiều, với hàng ngàn câu hỏi “tại sao” – phần vì thật sự muốn học hỏi, phần chỉ để cho vui, và cũng có thể đây là cách bé muốn nổi loạn, thử thách bố mẹ thôi. Nhưng dù thế nào đi nữa, tốt nhất bạn cũng nên cố gắng trả lời, thỏa mãn được sự tò mò cho bé, khuyến khích bé tiếp tục tư duy cũng như tự tin thể hiện.

Năm thứ năm của bé: hình thành mối quan hệ hòa hợp

Ở tuổi lên 5, nhìn chung đứa trẻ đã bắt đầu có thể kiểm soát thái độ của chính mình và tạo nên những mối quan hệ hài hòa với người khác. Ở giai đoạn này, đứa trẻ đặc biệt hướng về mẹ, thích làm cho mẹ vui, những lời nói và thái độ của mẹ phần nào đó như kim chỉ nam của bé, nên những lời khen ngợi và ghi nhận từ mẹ là rất quan trọng.

Năm thứ sáu của bé: mâu thuẫn có thể nảy sinh

Nếu mẹ là trung tâm thế giới của bé trong năm trước thì năm nay vị trí này là của chính bé chứ không ai khác. Và khi một đứa trẻ tìm kiếm vị trí trung tâm của mình, bé cũng dần trở nên độc lập và trưởng thành hơn, có thể muốn phá bỏ những sự cân bằng cũ và tạo nên một “vương quốc” riêng.

Một mặt bé vẫn yêu và cần mẹ, nhưng mặt khác, bé háo hức được độc lập nên có thể không cho mẹ can thiệp vào các việc của mình. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người bố nên đứng ra làm công việc dù khó khăn nhưng rất quan trọng: xác lập lại cân bằng.

(Ảnh: Internet)

Năm thứ bảy của bé: bắt đầu phát triển suy nghĩ trừu tượng

Với sự phát triển của suy nghĩ trừu tượng, một đứa trẻ có thể thấy được những điểm tương đồng và khác biệt giữa những sự vật. Bé có thể hiểu được rằng việc thay đổi hình dáng vật đựng không thay đổi lượng mà nó có thể đựng được, các bé cũng bắt đầu hiểu được về các con số.

Năm thứ tám: bắt đầu suy nghĩ với tư duy nhanh nhạy và tích cực

Bé 8 tuổi có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề, dùng những logic đơn giản để đi đến kết luận, bé có nhiều nhận xét và lý lẽ hơn về những sự việc quanh mình. Một đứa trẻ 8 tuổi điển hình thường nói rất nhiều, và có thể phân biệt được giữa tưởng tượng với thực tế – đây là một mốc phát triển nhận thức rất quan trọng.

Trên đây là những mốc phát triển chung phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng tất nhiên, có một điều quan trọng mà ai cũng nên nhớ là mỗi đứa trẻ có tính cách và tốc độ phát triển khác nhau, cách thức cũng khác nhau nên có thể có những xê xích.

Những người làm bố mẹ đừng quá cứng nhắc nghĩ rằng vào lúc này, con mình phải thế này, và vào lúc kia chắc chắn phải thế kia. Chính bạn là người hiểu con hơn ai hết để có thể nhận ra điều gì là bình thường và điều gì không, nhưng để được như vậy, không có cách nào khác ngoài luôn dõi theo con với sự thương yêu và hiểu biết, kịp thời chăm sóc, dạy dỗ và khích lệ con theo cách phù hợp nhất với bé, đó luôn là việc làm quan trọng nhất!

Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ