Nếu muốn luôn bình tĩnh và điềm đạm, nhất định phải nhớ kỹ 13 bí kíp này!

GD&TĐ - Làm thế nào để giữ bình tĩnh và điềm đạm nhất có thể trong khi bạn luôn phải đối mặt với các áp lực từ mọi phía của cuộc sống?

Nếu muốn luôn bình tĩnh và điềm đạm, nhất định phải nhớ kỹ 13 bí kíp này!

Trong cuộc sống và công việc ngày nay, chúng ta thường phải đối mặt với đủ thứ áp lực từ đến từ mọi phía. Và điều này rất dễ khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, nóng giận và mất bình tĩnh. Vậy nếu chẳng may rơi vào những tình huống đó, chúng ta phải làm gì? Sau đây là 13 bí kíp rất đơn giản nhưng vẫn có thể giúp bạn luôn giữ bình tĩnh vượt qua các cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống một cách dễ dàng.

1. Hãy cứ để cho mọi việc diễn ra tự nhiên

Đừng nên có những suy nghĩ trong đầu kiểu như: “Tận thế đến rồi chăng?”; “Không hề, chắn chắn đấy!”… Làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn cũng chẳng giúp ích gì cho bạn, vì vậy cứ hãy để yên nó như thế và để mọi việc diễn ra tự nhiên. Bạn chỉ nên tự đánh giá lại: Việc này có ảnh hưởng gì đến mình… Trong tuần tới? Trong tháng tới? Trong năm tới? Trong mười năm nữa?… Và rồi, chẳng ảnh hưởng gì cả. Đừng tự làm đau khổ mình vì những thứ không nằm trong tầm kiểm soát.

2. Tạm dừng lại ít phút và hít thở thật sâu

Khi bạn thấy mình đang rơi vào trạng thái căng thẳng, hay nóng giận thì hãy hít một hơi thật sâu vào. Đừng hành động vội vàng, vì những hành động bạn làm trong lúc mất bình tĩnh rất dễ khiến bạn sẽ phải hối tiếc. Hãy từ từ nhắm mắt lại và thong thả đếm đến 10, việc làm này sẽ giúp giảm lượng adrenaline (chất do tuyến thượng thận tiết ra khi tức giận) trong não của bạn, sau đó hít thở sâu để bình tĩnh trở lại.

Carlos Coto (Nhà tâm lí học chuyên nghiên cứu về hoạt động của bộ não) gợi ý rằng, bạn có thể áp dụng kĩ thuật thở 4:4:4 – tức là hít vào trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây, rồi thở ra chậm rãi trong 4 giây. Tưởng tượng mỗi lần thở ra là bạn tống căng thẳng ra ngoài. Mỉm cười (nếu cần thiết hãy giả vờ cười) bạn sẽ thấy khó mà nhăn nhó với một nụ cười đang nở trên môi. Hãy thực hành bài tập này thường xuyên, ở công sở cũng như ở nhà, nếu bạn thấy chúng thật sự cần thiết.

3. Thả lỏng toàn thân

Sau khi tập hít thở sâu, hãy kiểm tra xem trên cơ thể bạn có nơi nào chưa thả lỏng tự nhiên hay không (Nghiến răng? Rút vai? Có bộ phận nào chưa ở trạng thái tự nhiên?). Mát-xa nhẹ nhàng những vùng đang căng thẳng để đưa cơ thể về trạng thái thư giãn hoàn toàn (nên tưởng tượng rằng bạn đang ở một nơi nào đó làm bạn thấy yên bình như: bãi biển, bồn tắm nước nóng, hoặc trên một con đường quê xanh mát…).

4. Bình tĩnh nhìn lại và tự hỏi chính mình một số câu đơn giản

Bạn đừng bao giờ được phép phản ứng ngay khi bạn đang thực sự kích động. Khi đó bạn đang là một nồi nước sôi có thể gây bỏng cho chính bạn và người khác, cần phải nhìn lại, tự hỏi mình một số câu hỏi để đánh giá tình hình.

“Tình huống căng thẳng này liệu mình có thể kiểm soát bản thân không?”; “Điều gì đang làm mình mất bình tĩnh vậy?”; “Liệu vấn đề đó có đáng để như vậy không?”; “Mình đang hoa chân múa tay một cách điên cuồng sao?”; “Ai mà muốn làm việc với một người như thế chứ?”; “Chắc chắn là không rồi”…Những câu hỏi đơn giản như thế này sẽ kích thích phần trí tuệ trong bộ não của bạn để bạn không có thêm những phản ứng thái quá. Đó là những câu hỏi đơn giản nhưng vô cùng kì diệu đấy bạn!

5. Nghĩ về những điều muốn làm tiếp theo, bình tĩnh và tập trung vào nó

Nên nhớ rằng, bạn không thể kiểm soát hành vi của người khác, nhưng vẫn có thể kiểm soát hành vi của chính mình. Bạn phải hiểu rằng cuộc sống không thể hoàn toàn diễn ra theo ý mình, vì vậy hãy suy nghĩ về những điều bạn muốn làm trong một giờ tiếp theo hoặc vài ngày tới thay vì tập trung vào điều khiến bạn tức giận. Suy nghĩ của bạn sẽ chuyển dần từ sự giận dữ sang những điều giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

6. Gọi tên cảm xúc của bạn chỉ trong một hoặc hai từ

Một thủ thuật khác để giữ bình tĩnh và vượt qua các cảm xúc tiêu cực là hãy gắn nhãn cho nó một cái tên đơn giản chỉ một hay hai từ. Nhiều nghiên cứu về não cho thấy, khi bạn gọi tên các cảm xúc tiêu cực của mình một cách ngắn gọn sẽ làm giảm tác động của chúng. Việc bạn cố gắng kìm nén cảm xúc của mình có thể gây ra phản tác dụng.

Kevin Ochsner (Giáo sư tâm lí tại đại học Columbia) phát biểu: “Việc kìm nén cảm xúc tiêu cực có thể giúp hành động bên ngoài của bạn trông tốt hơn nhưng bên trong bạn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí gây ra stress kéo dài”.

7. Loại bỏ ngay những suy nghĩ tiêu cực đang có trong đầu

Hãy nhanh chóng loại bỏ ngay càng sớm càng tốt như tư tưởng hận thù như: “Thật không công bằng”; “Hắn ta sẽ phải trả giá”; “Tôi sẽ làm cho ra lẽ”… Suy nghĩ như vậy sẽ không giúp đỡ được gì bạn, ngược lại, nó càng làm cho sự bực tức của bạn tồi tệ hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh sử dụng những ngôn từ mang tính chỉ trích, áp đặt, chẳng hạn như: “Bạn luôn luôn như thế”; “Bạn không bao giờ biết lắng nghe người khác”; “Bạn phải nên biết suy nghĩ đi”… Những lời nói đó chỉ làm tình hình trầm trọng hơn mà thôi. Thay vào đó, bạn nên tập trung suy nghĩ về những điều tích cực.

8. Chia sẻ với ai đó về tình trạng của bạn

Bạn cần nhớ rằng, một trong những điều làm cho chúng ta căng thẳng và dễ nổi nóng là những cảm xúc tiêu cực bị mắc kẹt trong đầu của chúng ta. Vì thế, hãy chia sẻ với bạn bè về những cảm xúc tiêu cực của bạn. Chia sẻ với ai đó và tống tất cả những muộn phiền của bạn ra khỏi lồng ngực sẽ giúp bạn cảm thấy thư thái hơn.

9. Tận hưởng niềm vui trên từng chặng đường của công việc

Cứ chăm chăm vào đích đến cuối cùng sẽ nhanh chóng làm bạn đuối sức. Nếu bạn đang đeo đuổi một mục tiêu to lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và lòng nhẫn nại thì hãy chia nhỏ chặng đường thành nhiều cột mốc, và ăn mừng mỗi khi bạn vượt qua từng cột mốc ấy. Những phản hồi tích cực và đến thường xuyên sẽ giúp bạn kiên trì hơn, vững tin hơn, và bạn sẽ tìm thấy nhiều niềm vui trong quá trình đạt được mục tiêu của mình.

10. Đừng đòi hỏi bản thân phải thật hoàn hảo

Vì thật ra, cũng chẳng hề gì nếu bạn không phải là một người hoàn hảo. Tất cả những người ra vẻ hoàn hảo đều là người giả dối. Khi bạn đòi hỏi bản thân và người khác phải hoàn hảo, bạn chỉ làm khổ mình mà thôi.

11. Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách rất hay để giải tỏa cơn giận dữ của bạn. Bạn có thể chọn nâng tạ, chạy bộ, đặc biệt là tập võ sẽ giúp cải thiện tâm trạng của bạn, giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Nếu như bạn cảm thấy buồn kinh khủng thì hãy cố ngủ một giấc, giấc ngủ sẽ giúp bạn thư thái hơn.

12. Hãy hòa mình với thiên nhiên

Nếu quá căng thẳng, hãy bước ra ngoài đón nhận không khí trong lành và ánh sáng mặt trời. Đó cũng là lí do vì sao chúng ta thường thích đi du lịch khi cảm thấy quá mệt mỏi trong công việc, trong cuộc sống. Hòa mình vào thiên nhiên, không khí trong lành sẽ giúp bạn bình tĩnh lại. Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc bạn dành thời gian hòa mình vào những không gian xanh sẽ giúp bạn giảm căng thẳng đáng kể. Đó cũng là lí do nhiều người thích mang không gian xanh mát vào nhà.

13. Luyện tập sự nhẫn nại hàng ngày

Mẹo cuối cùng để giữ bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng là bạn hãy cố gắng luyện tập sự nhẫn nài cho mình hàng ngày. Bạn có thể luyện tính nhẫn nại và khả năng đương đầu với sự căng thẳng chỉ bằng những cách đơn giản như: Hãy chọn hàng dài nhất khi xếp hàng trong siêu thị, đừng cáu gắt khi đứa bạn trễ hẹn cà phê vài mươi phút…

Nên nhớ rằng, bạn sẽ trở nên mệt mỏi nếu lúc nào cũng luôn vội vã, căng thẳng. Hi vọng những bí kíp trên đây sẽ giúp nụ cười lúc nào cũng nở trên môi của bạn

Theo phunudoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ