1. Chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Ngay đầu mùa hè cuối cùng ở trường mầm non, phụ huynh hãy nói với con về ngôi trường tiểu học mà con sẽ học. Tốt hơn cả, dịp cuối năm học của học sinh tiểu học, phụ huynh nên đưa con đến làm quen, tham khảo về trường lớp, cảnh quan xung quanh trường để tạo sự vững tâm cho trẻ.
Phụ huynh nên cho trẻ xem những tấm ảnh xung quanh trường mô tả lại quang cảnh học tập, sinh hoạt của các học sinh khoá trướcvà giới thiệu qua cho trẻ biết về những điều thú vị, hấp dẫn khi học lớp 1. Ngoài ra, có thể tìm hiểu những môn học thể thao, những sinh hoạt ngoại khoá trẻ có thể tham gia để khích thích sự tò mò, hứng khởi của trẻ.
Ví dụ, xung quanh các trường tiểu học, sẽ có sân chơi bóng rổ, hoặc những trò chơi dành cho trẻ, những lúc rảnh rỗi bạn nên cho trẻ đến làm quen trước để trẻ dạn dĩ hơn với môi trường mới.
2. Giúp trẻ làm quen với nề nếp, kỷ luật ở trường tiểu học
Bố mẹ cần gần gũi, trò chuyện với con về nề nếp học tập của tiểu học. Hãy nói với bé rằng những em bé lớp 1 cần phải giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, xếp hàng khi vào lớp, đứng lên chào cô khi vào lớp, tan lớp.
Phụ huynh có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập lớp 1, giới thiệu cho trẻ làm quen với chúng và dạy trẻ cách thức giữ gìn những vật dụng đó. Phụ huynh nên cố gắng giới thiệu những điều tích cực, thú vị ở trường tiểu học, thay vì doạ con là trường học rất khó, không học là cô giáo phạt…
3. Cần sắm những gì cho trẻ lớp 1?
Cố gắng mua sắm thật đầy đủ mọi tư trang và dụng cụ học tập cho trẻ. Đó là quần áo, giày, mũ, cặp, sách, vở, bảng con, bút chì, bút vẽ, thước kẻ…. Hiện nay các trường có may đồng phục cho trẻ vì vậy, khi đăng kí quần áo cho con, bố mẹ cần phải cẩn thận chọn và kiểm tra các số đo phù hợp với con. Khi lấy quần áo đồng phục về cần giặt giũ sạch sẽ để sẵn sàng cho con bước vào năm học mới.
4. Chọn cho con vài người bạn cùng học lớp 1
Có nhiều phụ huynh đã "ngắm" trước cho con những người bạn cùng học lớp 1, hoặc chí ít là cùng trường ngay mùa hè cuối cùng của bậc mầm non. Nếu có bạn cũ, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm và tự tin hơn với môi trường mới. Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có luôn "đôi bạn cùng tiến" ngay từ buổi đầu học lớp 1. Vì vậy, kỹ năng vui chơi cùng các bạn mới quen cũng hết sức quan trọng trong buổi đầu. Có thể sẽ khó khăn nhưng chúng ta có thể tin rằng với thời gian và sự giúp đỡ của các cô, các con sẽ ổn thôi.
5. Chuẩn bị cho ngày đầu tiên đến trường
Ngày đầu vào lớp 1 là ngày thiêng liêng của mỗi đứa trẻ. Vì vậy, bố mẹ nhất thiết phải đưa con đến trường nếu có cả ông bà và người thân khác càng tốt. Ngày hôm ấy mọi ưu tiên tốt đẹp nhất phải dành trọn cho trẻ lớp 1 để các cháu nhận được nhiều lời khen, nhiều nụ cười ngay trong buổi học đầu tiên.
Khi trẻ đi học về cần hỏi han chuyện trường lớp, hỏi xem ngày hôm đó có gì vui hay có gì làm cho trẻ phải lo lắng không để kịp thời động viên, khích lệ và an ủi.
6. Rèn luyện các kỹ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1
Từ những kỹ năng như xúc cơm tự ăn, sắp xếp sách vở, đi giày dép, mặc đồng phục, vệ sinh cá nhân cần phải được huấn luyện trước khi vào lớp 1. Thực chất, các kỹ năng này đã được hình thành ở trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cưng chiều con và giáo viên mẫu giáo, bảo mẫu vẫn đôi khi làm thay cho trẻ.
7. Việc giao tiếp, làm quen ở môi trường mới
Kỹ năng giao tiếp cần phải được học hỏi trong cả quá trình mẫu giáo. Đó cũng là kỹ năng mềm được rèn luyện trong cả môi trường gia đình, những mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, khi vào lớp 1, trẻ cũng cần phải học hỏi nhiều hơn, vì vậy trẻ phải rèn luyện thêm kỹ năng lắng nghe khi người khác nói, trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi cho thầy cô, bạn bè khi thắc mắc, phát âm to và rõ ràng.
8. Làm quen chữ viết và tính toán
Không cần phải học chữ trước khi vào lớp 1. Nhưng việc làm quen như cách cầm bút, làm quen chữ cái, những phép tính đơn giản thì các phụ huynh nhất thiết phải trang bị cho con. Trước khi vào lớp 1, ít nhất trẻ cần biết viết, đọc được tên mình và nhớ số nhà, số điện thoại của bố mẹ.