Những khám phá khoa học trong năm đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về mọi thứ, từ lịch sử đến tương lai trong không gian, cũng như làm rõ lý do con người già đi…
Voi ma mút 30.000 tuổi
Khi những người thợ mỏ ở Canada phát hiện ra một con vật trong lớp băng vĩnh cửu, họ đã nhanh chóng liên hệ các chuyên gia. Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Calgary đã vô cùng sửng sốt khi xác định đó là một con voi ma mút lông xoăn cái, khoảng 30.000 năm tuổi.
Đặc biệt, móng chân, da, thân và lông của con vật được bảo quản hoàn hảo. Đây là con voi ma mút lông xoăn được bảo quản tốt nhất từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ.
Tiến sĩ Dan Shugar, một Giáo sư tại Trường Đại học Calgary, cho biết: “Nó gần giống như việc gặp một con voi ma mút còn sống. Thật khó tin khi nghĩ rằng đây là một con vật đã chết cách đây rất lâu. Con vật được bảo quản tốt đến mức vẫn còn lông trên người. Thành thật mà nói, điều đó thật đáng kinh ngạc”.
Dấu chân có niên đại 12 nghìn năm
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 tiết lộ, các nhà khoa học đã tìm thấy 88 dấu chân hóa thạch của người lớn và trẻ em có niên đại 12.000 năm, ở lòng sông tại Utah. Đây là tập hợp dấu vết con người được xác định lần thứ hai ở Mỹ (lần đầu tiên là vào năm 2021).
Các nhà khoa học cho rằng, con người đã chiếm lĩnh khu vực này sớm hơn 7.500 năm so với suy nghĩ trước đây. Điều đó có thể làm thay đổi hiểu biết hiện tại của chúng ta về cách con người tiến hóa.
Di chuyển các tiểu hành tinh đi chệch hướng
Tháng 9 vừa qua, NASA đã đâm một con tàu vũ trụ, được gọi là DART, trực tiếp vào một tiểu hành tinh. Mục đích của họ là xem liệu một vụ va chạm như vậy có thể di chuyển tiểu hành tinh khỏi quỹ đạo của nó hay không. Cách làm này có thể bảo vệ Trái đất khỏi vụ va chạm với tiểu hành tinh.
Tàu vũ trụ trị giá 325 triệu USD có kích thước bằng một chiếc máy bán hàng tự động đã hướng tới tiểu hành tinh Dimorphos, cách Trái đất khoảng 6,8 triệu dặm. Tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh với tốc độ 14.000 dặm một giờ và đã đẩy Dimorphos ra khỏi quỹ đạo trước đó của nó.
Tế bào não học cách chơi trò chơi điện tử
Các nhà nghiên cứu Australia cho biết đã phát triển các tế bào não trong phòng thí nghiệm để học cách chơi trò chơi điện tử cổ điển Pong. “Bộ não nhỏ” mà họ tạo ra có thể cảm nhận và phản ứng với môi trường xung quanh. Tiến sĩ Brett Kagan cho biết, nhóm của ông đã tạo ra bộ não “có tri giác” đầu tiên được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
“Chúng tôi không thể tìm thấy thuật ngữ nào tốt hơn để mô tả thiết bị. Nó có thể lấy thông tin từ một nguồn bên ngoài, xử lý và sau đó phản hồi thông tin đó trong thời gian thực”, ông Kagan chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển tế bào não người từ tế bào gốc. Sau đó, họ kết hợp với phôi chuột và tạo ra một bộ não nhỏ bao gồm 800.000 tế bào. Các nhà nghiên cứu cho biết, bộ não nhỏ đã học cách chơi trò chơi trong năm phút.
Bệnh nhân hôn mê vẫn còn ý thức và khả năng nghe
15 - 20% bệnh nhân hôn mê vẫn có ý thức. |
Đây là một trạng thái trong đó bộ não phản ứng với thế giới bên ngoài bằng một số hiểu biết, nhưng cơ thể thì không. Các nhà khoa học Mỹ đã theo dõi bệnh nhân hôn mê bằng công nghệ có thể đo lường hoạt động của não.
Họ ghi nhận rằng, có 15 - 20% bệnh nhân có vẻ như đang hôn mê thể hiện loại nhận thức bên trong này. Điều này đang thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về tình trạng hôn mê và các trạng thái không phản ứng khác.
Các nghiên cứu đã phát hiện, những bệnh nhân như vậy có nhiều cơ hội phục hồi chức năng hơn.
Greenland đang biến mất nhanh hơn so với dự đoán
Dải băng lớn thứ hai thế giới, còn được gọi là Greenland, dường như đang biến mất nhanh hơn các nhà khoa học nghĩ trước đây. Nước biển ấm hơn và nhiệt độ không khí tăng lên đã đẩy nhanh quá trình tan chảy của vùng đất Bắc Cực. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, Greenland đang mất khoảng 250 tỷ tấn băng mỗi năm.
Những mất mát đó đang tăng tốc theo thời gian. Không khí ấm áp làm cho bề mặt của tảng băng tan chảy. Trong khi đó, dòng chảy được đưa vào các đại dương. Các nhà khoa học cho biết, tình trạng này khuấy động nước, khiến nhiệt tăng lên từ các đại dương và làm ấm thêm vùng nước tiếp xúc với băng.
Điều đó làm cho các sông băng tan chảy nhanh hơn. Theo các nhà khoa học, điều này có thể đẩy mực nước biển lên cao đến mức ngay cả New York và San Francisco cũng phải chuẩn bị cho một trạng thái bình thường mới.
Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về những tác động mà một tảng băng tan chảy có thể gây ra đối với một số thành phố ven biển của Mỹ, như: New York; Washington D.C.; San Francisco; New Orleans. Những khu vực đô thị nổi tiếng này có thể trở thành thành phố dưới nước, nếu các tảng băng tan chảy đủ để làm tăng đáng kể mực nước biển.
30 nghìn tiểu hành tinh gần Trái đất trong Hệ Mặt trời
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết, có hơn 30.000 tiểu hành tinh gần Trái đất (NEAs) trong Hệ Mặt trời. Chúng là những tảng đá không gian - đôi khi có kích thước khổng lồ - xoay quanh Mặt trời trên những quỹ đạo tương đối gần với Trái đất. 1.425 trong số những tiểu hành tinh này có cơ hội va vào Trái đất.
Trong số 30.039 NEA, khoảng 10.000 có đường kính lớn hơn 460 feet (140m) và 1.000 NEA có đường kính lớn hơn 3.280 feet (999m). Các nhà thiên văn học đang theo dõi chặt chẽ 1.425 tảng đá không gian có khả năng tác động Trái đất. Theo NASA, trung bình, Trái đất bị một tiểu hành tinh lớn va phải sau mỗi 5.000 năm và một tiểu hành tinh hủy diệt nền văn minh cứ sau một triệu năm.