7 liệu pháp tâm lý trị văng tục ở trẻ

GD&TĐ - Trẻ em nói tục được coi là vấn đề thường xảy ra. Trẻ nhỏ thường sẽ lặp lại điều gì đó mà chúng đã nghe. Trong khi đó, những đứa trẻ lớn hơn thường muốn kiểm tra phản ứng của cha mẹ.

Trẻ nhỏ thường không hiểu nói tục là đúng hay sai. Ảnh minh họa
Trẻ nhỏ thường không hiểu nói tục là đúng hay sai. Ảnh minh họa

Amy Morin - Tổng Biên tập của Verywell Mind và là nhà trị liệu tâm lý, cho biết, nếu trẻ sử dụng một số từ ngữ không đúng mực, cha mẹ có thể áp dụng biện pháp kỷ luật. Nữ chuyên gia này đã gợi ý một số biện pháp cha mẹ có thể thực hiện khi con nói bậy.

Nghĩ về giá trị gia đình

Đối với một số gia đình, chửi thề không phải là vấn đề lớn và các phụ huynh chấp nhận rằng, trẻ em có khả năng sử dụng những từ ngữ như vậy. Trái lại, đối với những gia đình đặc biệt cảm thấy bị xúc phạm vì chửi thề, điều quan trọng là phụ huynh phải giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Theo bà Morin, dù bằng cách nào, cha mẹ hãy nói chuyện với con về việc những người khác nhau có giá trị khác nhau như thế nào. Mặc dù một số người có thể không thấy việc chửi thề là xúc phạm, nhưng những người khác thì có.

Nếu các thành viên trong gia đình không nói tục, cần bảo đảm rằng, trẻ biết những từ ngữ đó là không phù hợp với giá trị gia đình.

Xem xét lý do

“Khi nghe trẻ nói tục, hãy xem những lý do có thể cho việc lựa chọn từ ngữ của con. Lời chửi bậy được sử dụng như thế nào và ở đâu là những yếu tố rất quan trọng. Một đứa trẻ 5 tuổi lặp lại một từ mà chúng nghe thấy trên xe buýt rất khác với một đứa trẻ 15 tuổi chửi thề với giáo viên”, chuyên gia Morin nhấn mạnh.

Đôi khi, trẻ chửi thề vì chúng thiếu các kỹ năng sống quan trọng, như giao tiếp và xã hội. Nếu đúng như vậy, điều quan trọng là phụ huynh cần nhanh chóng dạy con những kỹ năng đó. 

Trở thành một hình mẫu tốt

“Cân nhắc hành vi khi bạn đang làm tấm gương cho con. Nếu cha mẹ nói tục, con cũng có thể sẽ thực hiện như vậy. Việc nói với con rằng: “Đây là những lời của người lớn nên mẹ có thể nói nhưng con thì không” là không đủ để giải quyết vấn đề. Trẻ em muốn giống như người lớn và sẽ bắt chước những gì bạn làm”, bà Morin lý giải.

Trong khi đó, một số cha mẹ thường cảm thấy thoải mái với ngôn ngữ của bản thân. Và, đó có thể là yếu tố khiến trẻ muốn chửi thề. Khi đó, tuyến phòng thủ đầu tiên cha mẹ cần tạo ra là thay đổi ngôn ngữ của chính mình. Nếu có thể giải quyết cơn giận mà không chửi bới, điều đó cũng đồng nghĩa là cha mẹ đang làm gương cho con.

“Xem xét các cách khác mà con có thể tiếp xúc với ngôn ngữ không phù hợp. Nếu phụ huynh cho phép con xem phim hoặc chơi trò điện tử có chứa ngôn ngữ tục tĩu, trẻ cũng có thể sẽ tiếp thu điều đó”, chuyên gia này cảnh báo. 

Bỏ qua nếu con tìm kiếm sự chú ý

Trẻ em thường có xu hướng lặp lại hành vi để thu hút nhiều sự chú ý hơn. Nếu cha mẹ cười hoặc làm to chuyện khi trẻ nói bậy, khả năng cao là con sẽ lặp lại hành động đó trong tương lai.

“Bỏ qua hành vi này có thể là một chiến lược tốt ban đầu, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Nếu từ chửi thề được lặp lại, cha mẹ hãy giải thích rằng, đó không phải là một từ hay và không nên nói như vậy”, bà Morin chia sẻ.

Thiết lập các quy tắc về nói tục

Nếu việc chửi thề trở thành một vấn đề, phụ huynh có thể cần thiết lập một quy tắc gia đình để giải quyết điều đó. Quy tắc với nội dung “sử dụng ngôn ngữ thích hợp” có thể sẽ hữu ích trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, trẻ em có thể cần được cảnh báo và nhắc nhở về những gì không “thích hợp”. Các cha mẹ cũng có thể muốn đưa ra một quy tắc có nội dung: “Chỉ có thể nói tục trong phòng ngủ của con một cách yên lặng để không ai khác nghe thấy”.

Chỉ ra hậu quả của nói bậy

Nếu cha mẹ đã đưa ra quy tắc về việc nói tục, nhưng điều đó vẫn tiếp tục xảy ra, một hệ quả tiêu cực hơn có thể là điều cần thiết.

“Nếu trẻ chửi thề khi chúng tức giận, để con ở một mình mà không có bất kỳ đồ chơi hay vật dụng khác có thể là một cách tốt để dạy chúng bình tĩnh”, bà Morin cho biết.

Bên cạnh đó, một “quỹ chửi thề” cũng được coi là phương tiện kỷ luật khác. Để áp dụng biện pháp này, trẻ sẽ phải bỏ một số tiền nhất định, chẳng hạn như 1/4 vào lọ sau mỗi lần mắc lỗi. Điều này chỉ hiệu quả nếu trẻ có khoản tiền riêng.

Bà Morin nhấn mạnh, cần suy nghĩ kỹ lưỡng về những gì phải làm với số tiền. Phụ huynh được khuyến cáo không nên dùng số tiền đó để chi trả cho kỳ nghỉ của gia đình. Nếu con biết rằng, số tiền đó được dành cho điều gì đó vui vẻ, chúng sẽ có nhiều khả năng nói tục nhiều hơn để có thể “đóng góp”.

Mặc dù ban đầu, quyên góp khoản tiền đó cho tổ chức từ thiện có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng hành động này có thể khiến trẻ suy nghĩ sai lệch. “Chúng ta giúp đỡ người khác bằng cách nói tục” có thể không phải là điều phụ huynh muốn bọn trẻ nghĩ tới. Thay vào đó, cha mẹ có thể sử dụng khoản tiền đó để chi trả cho một số thứ như hóa đơn gia đình.

Khen thưởng cho ngôn từ “sạch”

Một lựa chọn kỷ luật khác là đưa ra phần thưởng cho trẻ khi con sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Một đứa trẻ gặp rắc rối ở trường hoặc có xu hướng chửi bới mọi người khi tức giận có thể sẽ thay đổi. Cụ thể, khi trẻ có ngôn từ phù hợp, cha mẹ  có thể khen thưởng công khai.

Mục tiêu dài hạn của bất kỳ phụ huynh nào cũng là dạy con rằng, ngôn ngữ của trẻ ảnh hưởng đến người khác. Nếu chửi tục hay xúc phạm ai đó, trẻ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo Verywellfamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.