Việt Nam chủ động phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Diễn đàn chính sách ‘Việt Nam chủ động phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kỷ nguyên mới’ được tổ chức ngày 14/3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Phát triển toàn diện khoa học và công nghệ

Sự kiện diễn ra tại Hà Nội, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Tài chính phối hợp với Aitomatic (Hoa Kỳ) tổ chức. Tham dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng. Diễn đàn còn thu hút hơn 1.000 đại biểu là các nhà lãnh đạo, chuyên gia công nghệ cao cấp đến từ NVIDIA, Meta, IBM, Google, Intel, TSMC, MediaTek, Tokyo Electron, Panasonic, Marvell… cùng nhiều doanh nghiệp đến từ Silicon Valley của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Hà Lan… và Việt Nam.

ai-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham dự Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định một trong ba đột phá là: phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu: nâng trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.

ai-2.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm nhắc lại, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên được đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, 5000 kỹ sư có trình độ chuyên sâu về AI; xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Thể chế là "đột phá của đột phá"

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho hay, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các đại biểu, chuyên gia trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị, phối hợp với các Bộ ngành liên quan để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy hai ngành công nghệ chiến lược này trong thời gian tới, tạo ra những đóng góp lớn giúp Việt Nam tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn phát triển quan trọng tới đây.

ai-5.jpg
Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia quốc tế.

Chia sẻ về sự tương thích về xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI của Việt Nam với xu thế toàn cầu, ông Christopher Nguyễn – Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Aitomatic phân tích các yếu tố then chốt giúp Việt Nam tận dụng nền tảng công nghệ tiên tiến; từ đó gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định sự tự chủ trong công nghệ là chìa khóa đưa nền kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Ông Michael Kagan, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn NVIDIA và ông Suresh Venkatarayalu, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Honeywell đánh giá cao tiềm năng Việt Nam trở thành trung tâm R&D về AI và bán dẫn và cho rằng, cần mở rộng hợp tác quốc tế để khai thác tối đa các lợi thế công nghệ, bắt kịp xu hướng toàn cầu, từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Khẳng định sự sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đề xuất những giải pháp sáng tạo, vạch ra lộ trình phát triển chiến lược cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên phong của khu vực.

ai-3.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết phải có tư duy mới, “1 cộng 1 phải lớn hơn 2”; nhân đôi, nhân ba sức mạnh của mỗi chúng ta, “muốn đi nhanh phải một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”; dù là đi nhanh hay đi xa thì đều phải an toàn, bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, phát triển mạnh mẽ các ngành mới nổi như AI, điện toán đám mây, internet vạn vật, sản xuất chip bán dẫn...

Việt Nam xác định thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhưng cũng là "đột phá của đột phá". Do đó, Thủ tướng đề nghị, xác định thể chế để phát triển bán dẫn, AI, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, kiên quyết cắt bỏ ít nhất 30% số thủ tục hành chính rườm rà.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo của mỗi chủ thể liên quan.

Phát triển hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển AI, nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, trong đó đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh hàng hoá; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, không để thiếu điện bất cứ trường hợp nào, bảo đảm hạ tầng sóng và điện ở vùng sâu, vùng xa; bảo đảm phát triển nguồn nhân lực cho ngành chíp bán dẫn, AI.

ai-6.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Thủ tướng nhìn nhận, đây là thách thức lớn nhất nhưng Việt Nam đang tập trung, có giải pháp đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo chất lượng hơn, tập trung nghiên cứu cơ bản, đào tạo tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai; đào tạo phân luồng hợp lý với tinh thần học tập suốt đời.

Giải quyết vấn đề dân số theo quan điểm mới là dân số phát triển. Việt Nam xây dựng hệ thống y tế, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao thể lực, thể chất của người dân Việt Nam; chú trọng giữ gìn bản sắc văn hoá, đạo đức kinh doanh; tích cực đào tạo 100 nghìn kỹ sư bán dẫn và AI những năm tới.

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế; chia sẻ học tập cùng các đối tác; nỗ lực xây dựng môi trường hoà bình, hợp tác, phát triển. Ổn định để phát triển, phát triển mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc mạnh mẽ, hùng cường hơn, nhân dân được thụ hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cao hơn.

Phát triển hệ sinh thái cho AI, bán dẫn; xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tổng kết thực tiễn phát triển phù hợp điều kiện, năng lực của Việt Nam.

Đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp điều kiện mới, khả năng. Tạo ra phong trào khởi nghiệp trên toàn quốc dù già hay trẻ đều có thể khởi nghiệp phù hợp khả năng, đáp ứng sự phát triển chung của đất nước.

Chuyển từ tư duy quản lý sang thúc đẩy phát triển

Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam đang mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp phần tư vấn, định hướng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, phát triển tầm nhìn, mục tiêu bảo đảm phù hợp tình hình trong nước và thế giới, có tính khả thi, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, thể chế phải thông thoáng, nhất là phải cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, chuyển từ tư duy quản lý sang thúc đẩy phát triển; quản lý để phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo không gian sáng tạo cho mỗi chủ thể trong quá trình phát triển; ban hành các quyết định sớm nhất để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp càng nhiều càng tốt. Hỗ trợ về tài chính như cho vay ưu đãi để bảo đảm hiệu quả, hợp lý.

Giúp đỡ Việt Nam xây dựng các quỹ đầu tư, trong đó có cả quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển các trung tâm tài chính, nâng hạng thị trường chứng khoán để đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Xây dựng cơ chế đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực trong dân, trong xã hội. Chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thông qua các trung tâm R&D.

Đào tạo bổ sung, hoàn thiện… đa dạng hoá các hình thức đào tạo phù hợp từng thời kỳ, giai đoạn, phát huy tối đa tinh thần học tập suốt đời, tạo ra phong trào học tập, nghiên cứu; hợp tác với Việt Nam xây dựng quản trị thông minh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà máy, đến từng người dân Việt Nam. Mọi công dân phải được sử dụng thành quả của AI, đó là trợ lý ảo; bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân, hạn chế mặt trái của AI.

tun06560.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đến dự Diễn đàn chính sách "Việt Nam chủ động phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới".

Chính phủ Việt Nam cam kết góp phần để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đã phát triển rồi thì phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trong quá trình đầu tư tại Việt Nam; bảo đảm cho các doanh nghiệp có lợi nhuận hợp pháp, chính đáng cao hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh;

Xây dựng cơ chế ưu đãi để giải phóng mọi sức sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng thiên nhiên, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, huy động mọi nguồn lực của xã hội góp phần sản xuất, kinh doanh.

Tạo hệ sinh thái phát triển tích cực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nhà đầu tư bằng các giải pháp liên quan thể chế, chính sách, ưu đãi phù hợp với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Luôn đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh bằng các chính sách như: visa, giấy phép lao động, nghiên cứu xây dựng Cổng đầu tư một cửa quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm…

Thủ tướng nhấn mạnh, sự có mặt của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của nước ngoài tại Diễn đàn là sự cổ vũ, động viên, ủng hộ Việt Nam, nhưng tốt hơn nữa là chúng ta tạo được chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư cụ thể; cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc khi đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, có thành quả cụ thể, mang lại lợi ích chung cho sự phát triển, góp phần làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.

ai1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham gia lễ khởi động các sáng kiến và khẳng định cam kết tham gia phát triển hệ sinh thái AI và bán dẫn Việt Nam. Ảnh: Lê Nghĩa.

Diễn đàn chính sách: Việt Nam chủ động phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn và AI trong kỷ nguyên mới là một trong các chương trình mà NIC tham gia với vai trò đồng tổ chức nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thông qua Diễn đàn, Việt Nam hướng đến vị thế mới trên trường quốc tế, mở ra những cơ hội hợp tác chiến lược, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số, nắm bắt và làm chủ công nghệ, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đây là bước đi quan trọng để các nhà khoa học, đối tác quốc tế cùng liên kết, hợp tác với các đối tác Việt Nam tạo nên kỷ nguyên mới cho nền kinh tế số của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ