7 điều người EQ cao tuyệt đối không làm

GD&TĐ - Những người nắm bắt được tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ) sẽ luôn tích cực thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy các mối quan hệ bền chặt.

Khi gặp phải bất đồng, điều khôn ngoan là dành một chút thời gian để suy ngẫm. (Ảnh: ITN).
Khi gặp phải bất đồng, điều khôn ngoan là dành một chút thời gian để suy ngẫm. (Ảnh: ITN).

Họ hiểu rằng việc tập trung cải thiện cảm xúc và kỹ năng giao tiếp là điều cần thiết để có một mối quan hệ vui vẻ, bền vững.

Dưới đây là 7 điều mà những người thông minh về mặt cảm xúc không bao giờ làm trong các mối quan hệ.

Chơi trò đổ lỗi

Những người thông minh về mặt cảm xúc không ngại xin lỗi khi họ sai. (Ảnh: ITN).
Những người thông minh về mặt cảm xúc không ngại xin lỗi khi họ sai. (Ảnh: ITN).

Người có trí tuệ cảm xúc cao không coi những bất đồng như một trò chơi đổ lỗi. Ngay từ đầu, họ hiểu rằng việc đổ lỗi cho người khác về một vấn đề chỉ khiến họ xa cách hơn trong việc giải quyết vấn đề đó và cuối cùng sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của họ.

Thay vì tham gia vào trò chơi đổ lỗi, họ chuyển sự chú ý sang việc tìm kiếm các giải pháp hợp tác và thúc đẩy tinh thần đồng đội. Nói một cách đơn giản, họ cố gắng thấu hiểu và thỏa hiệp.

Khi gặp phải bất đồng, điều khôn ngoan là dành một chút thời gian để suy ngẫm: Làm thế nào chúng ta có thể chủ động ngăn chặn tình huống này biến thành trò chơi đổ lỗi?

Thực hành điều này có thể giúp bạn tập trung cải thiện mối quan hệ và tiến tới những cuộc trò chuyện tốt hơn, hợp tác hơn thay vì chứng minh ai đúng ai sai.

“Đóng băng” cảm xúc

Những người sở hữu EQ cao hiểu rằng, việc kiềm chế cảm xúc của chính mình cũng khó như cố gắng giữ khói bằng tay.

Khi cảm xúc bị kìm nén, chúng có khả năng biểu hiện theo nhiều cách khác nhau và có thể biến thành một cơn bùng nổ, ngay cả khi bạn phải đối mặt với sự khiêu khích dù là nhỏ nhất.

Bằng cách trung thực và cởi mở với cảm xúc của mình, chúng ta có thể nỗ lực tìm ra giải pháp phù hợp cho cả hai bên một cách hiệu quả. Vì vậy, thay vì kìm nén cảm xúc, hãy thể hiện chúng một cách tôn trọng và thấu hiểu.

Điều quan trọng là bạn phải có cái nhìn tích cực trong khi thể hiện bản thân và luôn cởi mở trong việc đối thoại.

Bỏ qua cảm xúc của đối phương

Không chỉ tập trung vào cảm xúc của chính mình, người có EQ còn coi trọng cảm xúc của người khác.

Khi một người chia sẻ một vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc, bạn không nên tập trung ngay vào vấn đề đó mà hãy đồng cảm với họ bằng cách đặt mình vào vị trí của họ.

Mong mọi người đọc được suy nghĩ của mình

Những người có EQ cao biết rằng, cách duy nhất để người khác biết suy nghĩ của mình là tự mình phải nói ra.

Theo lẽ thường, việc đọc suy nghĩ của người khác là điều không thể. Để hình thành một kết nối cảm xúc thực sự, bạn cần thể hiện rõ ràng cảm xúc và mong đợi của chính mình.

Những người thông minh về mặt cảm xúc hiểu rằng, các mối quan hệ và giao tiếp luôn song hành với nhau.

Ví dụ, khi bạn cần đưa ra phản hồi về bài thuyết trình hoặc yêu cầu hỗ trợ dự án, hãy thẳng thắn và rõ ràng về điều đó. Nó có thể cứu bạn khỏi những hiểu lầm tiềm ẩn và sự thất vọng sau này.

Ngoài ra, nếu có sai sót, làm sao bạn có thể giải thích nguyên nhân một cách mang tính xây dựng nếu không có hướng dẫn rõ ràng?

Đắm chìm trong những sai lầm quá khứ

Những người EQ cao sẽ cố gắng hết sức để tránh cái bẫy này. Phản ứng cảm xúc ở thời điểm hiện tại thường được hình thành bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Nhưng hãy tránh sống trong quá khứ. Thay vào đó, hãy hướng sự chú ý của bạn vào hiện tại.

Nếu các vấn đề quá khứ nảy sinh trong mối quan hệ của bạn, hãy tập trung vào những bài học bạn có thể thu thập được từ chúng.

Một ví dụ cụ thể về việc sống trong quá khứ là khi bạn bị tổn thương bởi điều gì đó mà đối tác của bạn đã làm hoặc nói. Mỗi khi chủ đề này được nhắc đến, nó giống như khơi lại một vết thương cũ.

Nhớ rằng, quá khứ mang lại những bài học quý giá, nhưng bạn có trách nhiệm ngăn chặn nó cản trở tương lai.

Tránh xin lỗi

Bất chấp những quan niệm sai lầm phổ biến, xin lỗi không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối; thay vào đó, nó biểu thị sức mạnh.

Những người thông minh về mặt cảm xúc không ngại xin lỗi khi họ sai. Họ biết rằng một lời xin lỗi chân thành có thể là bước đầu tiên và thường là cách duy nhất để hàn gắn những mối quan hệ tan vỡ và khôi phục lòng tin.

Thừa nhận sai lầm của mình hoặc thậm chí bày tỏ sự hối tiếc có thể giúp thúc đẩy một mối quan hệ hiểu biết và hợp tác.

Trong một mối quan hệ, xin lỗi là một phần quan trọng của quá trình sửa chữa và phục hồi. Nó cho người khác thấy rằng bạn chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Tham gia vào những tin đồn

Dù tin đồn có hấp dẫn đến đâu, những người thông minh về mặt cảm xúc cũng không bao giờ tham gia. (Ảnh: ITN).
Dù tin đồn có hấp dẫn đến đâu, những người thông minh về mặt cảm xúc cũng không bao giờ tham gia. (Ảnh: ITN).

Bạn thấy đấy, buôn chuyện hoặc nói tiêu cực về người khác ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta theo nhiều cách.

Nó có thể làm tổn hại lòng tin, gây khó chịu và bùng nổ tranh cãi. Hơn nữa, nó thậm chí có thể gây tổn thương và tổn hại lâu dài cho người khác. Nói xấu sau lưng người khác hiếm khi mang lại kết quả tích cực nào.

Đó là lý do tại sao, dù tin đồn có hấp dẫn đến đâu, những người thông minh về mặt cảm xúc cũng không bao giờ tham gia.

Họ hiểu rằng, những cuộc trò chuyện như vậy có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến các mối quan hệ, vì vậy họ nhất quyết tránh xa chúng. Thay vào đó, họ tập trung vào việc tự nhận thức và phát triển cá nhân.

Nếu bạn rơi vào tình huống bị lôi kéo nói xấu ai đó, hãy lịch sự xin lỗi và tránh xa. Thật không đáng để gây nguy hiểm cho một mối quan hệ chỉ vì một cuộc trò chuyện vu vơ.

Ngay cả khi bị trêu chọc, hãy nhớ giữ thái độ chính trực và tự trọng. Sau này, khi trưởng thành hơn, bạn sẽ tự hào về cách xử lý tình huống của mình.

Theo experteditor.com.au

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ