Giới trẻ hiện nay ít hiểu biết thế nào là hôn nhân, vì sao cần có nó và điều quan trọng là bạn đã sẵn sàng đi đến hôn nhân hay chưa. Chúng ta sẽ không nói về những điều tồi tệ mà hãy nhìn sâu vào bản thân mình và xét xem là bạn đã thực sự có ý thức để củng cố mối quan hệ hay chưa.
Để làm được điều đó, bạn hãy tự hỏi mình những câu sau đây, để có sự lựa chọn đúng đắn.
Cảm xúc hưng phấn về ngày hôn lễ lấn át lý trí?
Tất cả những nghi lễ của ngày cưới, chiếc váy cô dâu trắng tinh, rất nhiều hoa, những bộ trang phục đẹp, chụp ảnh, bạn bè, người thân có thể làm lu mờ lý do thực sự.
Đám cưới - đó là một ngày hội tuyệt vời, mục đích chính đối với đa số các cô gái, cũng là lý do để cập nhật trạng thái trên trang mạng xã hội. Thế nhưng đừng quên rằng, mục đích chính của bạn không phải là một đám cưới, mà là một cuộc hôn nhân.
Sau khi sự vui vẻ tưng bừng của buổi hôn lễ tuyệt vời lắng xuống và tuần trăng mật kết thúc thì điều gì sẽ duy trì cho cuộc hôn nhân của bạn? Nếu như đối với bạn cuộc hôn nhân là quan trọng chứ không phải là những cảm xúc hân hoan nhất thời từ đám cưới thì bạn đã đi đúng đường.
Bạn đã đủ trưởng thành chưa?
Một số người đã kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp trường trung học và họ đã sống hạnh phúc. Điều này thật tuyệt vời, nhưng nên nhớ rằng cho đến khi 25-30 tuổi thì những giá trị và nhận thức của bạn về cuộc sống xã hội có thể trải qua những thay đổi đáng kể.
Với sự trưởng thành thì từ những sai lầm đã phạm phải, các mối quan hệ với những người khác nhau sẽ mang đến cho bạn rất nhiều kinh nghiệm. Những người mà đã có cảm tình ở trường trung học, trường đại học thì sau đó hoàn toàn có thể sẽ trở nên nhàm chán.
Bạn cần phải đủ sự chín chắn để tin vào sự lựa chọn của mình, ít nhất cũng sẽ biết được những điều mà bạn muốn.
Mối quan hệ có thật bền vững không?
Khi những người trẻ tuổi bắt đầu hẹn hò thì họ thường bị mù quáng bởi mối quan hệ lãng mạn. Thời kỳ đó các bạn có thể bay trên đôi cánh tình yêu mà không suy nghĩ về mọi thứ một cách nghiêm túc.
Thế rồi sau đám cưới thì mối quan hệ này sẽ thay đổi. Sự bền vững của hôn nhân sẽ được cuộc sống thử thách với những tình huống mà bạn không ngờ tới. Nếu như các bạn không trở thành một thực thể thống nhất thì mối quan hệ của hai người sẽ dễ dàng tan vỡ.
Có tin tưởng nhau không?
Các bạn cần hoàn toàn tin tưởng vào nhau mà không phụ thuộc vào thời gian từng có mấy tháng hoặc mấy năm các bạn đã bên nhau. Nếu như không hình thành được độ tin cậy và sự tôn trọng đối với nhau trước hôn nhân thì sau này sẽ khó khăn hơn để làm được điều đó.
Người chồng và người vợ là hai người gần gũi nhau nhất. Vì vậy, nếu không có được sự tin cậy trong gia đình thì làm sao có thể hy vọng vào sự hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau?
Muốn làm thay đổi người yêu?
Đừng hy vọng là sau đám cưới thì một nửa của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hoặc là bạn hãy chấp nhận người đó như vốn có hoặc là không.
Đám cưới không giải quyết được những vấn đề đó mà ngược lại, sau đó những điều này có thể còn trầm trọng hơn nữa. Nếu như bạn không thể giải quyết những xung đột, cùng nhau thảo luận mà thường xuyên cãi cọ thì sự căng thẳng sẽ càng tăng lên.
Chỉ khi nào có được sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể hình thành được một nền tảng lành mạnh cho hôn nhân.
Ủng hộ sở thích hoặc công việc của người yêu?
Mỗi người đều có mục đích trong cuộc sống mà họ sẵn sàng làm mọi điều để đạt được. Bạn sẽ đối mặt với điều đó thế nào? Nếu như một trong hai bạn giao du nhiều, người kia phải ở nhà trong cô đơn trong thời gian dài thì các bạn có thể vượt qua điều đó không?
Bạn có thể chấp nhận khi người yêu có khá nhiều sự tiếp xúc với những người khác hoặc công việc chiếm mất nhiều thời gian dành cho bạn hoặc tổ ấm sau này không?
Các bạn có thể sống thiếu nhau không?
Nếu như bạn không thấy có điều gì phải băn khoăn khi gắn cuộc đời mình với một người khác thì hãy dũng cảm đi đến bước tiến này. Còn nếu không chắc chắn các bạn là những người phù hợp đối với nhau thì hãy đừng vội vàng buộc mình vào một cuộc hôn nhân mong manh.