7 cách nuôi dạy trẻ khác lạ của phụ huynh thế giới

GD&TĐ - Trẻ Bắc Âu nằm trong xe nôi ngủ ngoài trời ngay cả trong mùa đông để rèn sức khỏe, trẻ Italy nhấm nháp rượu vang trong bữa tối cùng bố mẹ.

7 cách nuôi dạy trẻ khác lạ của phụ huynh thế giới

1. Tự lập khi còn rất bé

Tại Nhật Bản, trẻ 6 tuổi đã biết tự đi bộ đến trường và làm việc lặt vặt mà không cần sự giám sát của bố mẹ, ngay cả ở nơi nhộn nhịp như thủ đô Tokyo. Tỷ lệ tội phạm của đất nước cực kỳ thấp, phụ huynh mong đợi cộng đồng cùng giúp chăm sóc con cái của mình.

Trẻ không cần người đi kèm khi đến trường và cũng không cần người dọn dẹp ở đó. Từ lớp 1, học sinh luân phiên quét và lau sàn nhà, hành lang, cửa sổ, thậm chí dọn nhà vệ sinh. Do đó, các trường học Nhật Bản không cần thuê lao công.

2. Trẻ ngủ ngoài trời ngay cả trong mùa đông

Việc nhìn thấy một chiếc xe đẩy có trẻ sơ sinh nằm gọn trên vỉa hè vào mùa đông mà không có bố mẹ ở cạnh là chuyện khá phổ biến ở các nước Bắc Âu. 

Một đứa trẻ ở Iceland nằm ngủ ngoài trời rét. Ảnh:Skapti Hallgrímsson

Một đứa trẻ ở Iceland nằm ngủ ngoài trời rét.

Theo New York Times, một bà mẹ Đan Mạch từng bị bắt ở Mỹ vì thói quen nuôi con này. Tuy nhiên, phụ huynh Bắc Âu vẫn giữ niềm tin rằng việc thường xuyên ở ngoài trời giúp trẻ thích nghi tốt với môi trường và khỏe mạnh hơn.

3. Tập đi vệ sinh từ sớm

Bố mẹ Trung Quốc tập xi tè cho con khi còn rất bé, đôi khi từ vài tháng tuổi. Nhiều đứa trẻ được huấn luyện dùng bô từ tuổi lên 2, theo Washington Post.

4. Dành ít thời gian trong lớp học

Giáo dục Phần Lan rất khác biệt so với phần còn lại của thế giới, nhưng học sinh vẫn thuộc nhóm thông minh nhất, thường xuyên đạt kết quả cao trong các bài đánh giá quốc tế.

Trẻ Phần Lan bắt đầu đi học khá muộn, từ năm 7 tuổi. Tiina Marjoniemi, chủ trung tâm trông trẻ Franzenia ở Franzenia, chia sẻ trên The Guardian rằng trước độ tuổi này, người lớn chỉ mong trẻ dành thời gian để chơi đùa và vận động thể chất. Họ xem 7 năm đầu đời là “thời gian cho sự sáng tạo”.

Trẻ Phần Lan

Trẻ Phần Lan được hưởng trọn vẹn thời thơ ấu, không chịu áp lực của việc học.

Khi bắt đầu đến trường, trẻ Phần Lan được giao rất ít bài tập về nhà và tận hưởng kỳ nghỉ dài, lên đến 11 tuần.

5. Tạm ngưng việc học để đi du lịch thế giới

Trào lưu “gap year” (bảo lưu kết quả đại học sau khi trúng tuyển để trải nghiệm một năm) đã phổ biến từ lâu ở Anh, Mỹ và dần lan rộng khắp thế giới. Một thống kê năm 2017 cho thấy 230.000 người trẻ từ 18 đến 25 tuổi ở Anh đã chọn hình thức “gap year” để du lịch, làm việc và làm tình nguyện.

6. Trẻ em và người lớn ăn những thứ giống nhau

Trong bữa tối ở Italy, không chỉ người lớn nhấm nháp ly rượu vang đỏ mà cả trẻ em cũng vậy. Theo một nghiên cứu của trung tâm Y tế Đại học Boston, do lớn lên với truyền thống kỳ lạ này, trẻ Italy ít có xu hướng nghiện rượu trong tương lai.

Rượu có ý nghĩa lớn trong đời sống ở Italy. Học sinh bắt đầu tìm hiểu về văn hóa rượu vang của đất nước từ lúc sáu tuổi, bởi nội dung này được đưa vào chương trình giáo dục tiểu học.

Trong khi trẻ em Italy được nuôi dưỡng để trở thành những người uống rượu có trách nhiệm, trẻ em Pháp được dạy làm những người thưởng thức thực phẩm tinh tế. Theo cuốn sách “French Kids Eat Everything" của Karen Le Billon, giáo sư Đại học British Columbia, trẻ em Pháp ăn các bữa đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng y như người lớn.

7. Cộng đồng chung tay nuôi dạy trẻ

Tại nhiều nơi ở châu Phi, trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ thuộc về gia đình, nhưng cả những người không thân thích cũng rất sẵn lòng giúp đỡ.

Cộng đồng châu Phi giúp nhau chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ. Ảnh: Getty Images

Cộng đồng châu Phi giúp nhau chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ.

Việc các bà mẹ chia sẻ nguồn sữa cho con của người khác không phải chuyện lạ ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Kenya. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện đàn ông thuộc bộ tộc Aka Pygmy của Trung Phi còn “cho con bú” để xây dựng mối quan hệ gần gũi với con và san sẻ trách nhiệm với người phụ nữ.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ