“Giấc ngủ là sợi xích vàng nối giữa sức khoẻ và cơ thể của bạn”. Trên thực tế, thiếu ngủ được coi là nguyên nhân hàng đầu gây béo phì, gián đoạn chức năng não và bệnh tim.
Để đảm bảo ngủ ngon giấc và sâu giấc, bạn nên lưu ý 7 điều sau:
Tập thể dục vào buổi sáng
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine, tập thể dục khiến bạn vã mồ hôi là một công cụ đơn giản giúp bạn ngủ sâu giấc.
Tiến sĩ Kelly Glazer Baron, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc chương trình giấc ngủ và hành vi của Đại học Y khoa Northwestern University (Feinberg, Mỹ) nói rằng đừng hy vọng tập thể dục có tác dụng ngay lập tức, việc tập thể dục buổi sáng chắc chắn giúp bạn ngủ ngon hơn nhưng phải luyện tập thường xuyên và với cường độ vừa phải.
Ăn bữa ăn nhẹ, tốt cho sức khoẻ
Ăn uống thực chất có liên quan đến giấc ngủ sâu. Vì vậy nếu bạn ngủ quá nhiều vào ban đêm mà vẫn buồn ngủ vào ban ngày hay bị chứng mất ngủ là do một phần những gì bạn ăn.
Caffeine và rượu chính là tác nhân làm rối loạn giấc ngủ, điều này quá rõ ràng.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine (Mỹ) cho thấy, trong chế độ ăn uống hàng ngày không có chất xơ có liên quan đến giấc ngủ, giấc ngủ dễ bị gián đoạn không sâu giấc.
Và một nghiên cứu bởi Đại học Adelaide (Mỹ) cho thấy việc ăn các bữa ăn nhiều chất béo không chỉ dẫn đến các vấn đề giấc ngủ vào ban đêm mà nó còn khiến mọi người buồn ngủ vào ban ngày.
Giữ cho phòng ngủ của bạn tối
Rất nhiều người đi ngủ quên đèn ngủ, đèn phòng tắm thậm chí là đồng hồ báo thức sáng. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội nội tiết (Mỹ) cho biết bóng tối đen là lý tưởng cho giấc ngủ ngon.
Nghiên cứu cho thấy bóng tối khuyến khích sản xuất melatonin, hormone của giấc ngủ. Ánh sáng nhân tạo có thể lừa bộ não của bạn sản xuất ít melatonin, ngăn chặn giấc ngủ sâu, chất lượng tốt.
Bạn nên tắt bất cứ thứ gì phát ra ánh sáng và nếu có thể, hãy đầu tư màn chắn sáng hoặc rèm cửa để tránh ô nhiễm ánh sáng.
Sau giấc ngủ sâu, cơ thể sẽ có thêm nguồn năng lượng tích cực cho ngày mới (Ảnh minh họa). |
Giữ nhiệt độ phòng ngủ phù hợp
Theo một bài nghiên cứu trên trang Huffing Post của Tiến sĩ Christopher Winter, Bệnh viện thần kinh Charlottesville (Mỹ), nhiệt độ phòng ngủ là một trong những yếu tố thiết yếu tạo ra sự khác biệt đối với giấc ngủ sâu.
Nhiệt độ tối ưu cho phòng ngủ của bạn nên nằm trong khoảng từ 15-20 độ vì nhiệt độ cao hơn hay thấp hơn mức này có thể cản trở giấc ngủ chất lượng.
Cơ thể bạn tự nhiên bắt đầu mát mẻ khi bạn ngủ thiếp đi, điều này làm tăng cảm giác mệt mỏi, do đó giúp cơ thể bạn đạt được nhiệt độ phù hợp nhanh hơn có thể cải thiện giấc ngủ.
Tránh ô nhiễm tiếng ồn
Hàng xóm ồn ào, những chiếc xe hơi ồn ào và tiếng ồn bên ngoài nói chung có thể khiến não bạn chú ý, khiến bạn không thể chìm vào giấc ngủ sâu. Nhiều nghiên cứu chứng minh tiếng ồn gây ra rối loạn cho giấc ngủ bình thường.
Tiếng động ban đêm tạo ra những cơn thức giấc bất thường, gây khó khăn trong việc quay lại giấc ngủ. Bạn nên lắp cửa cách âm, chống ồn cho phòng ngủ để chất lượng giấc ngủ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Biến giường thành một thiên đường thoải mái
Các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng, chọn một chiếc giường là điều tối quan trọng trong việc chăm sóc giấc ngủ. Có điều gì thú vị hơn là một tấm nệm thoải mái với tấm vải ga mềm mại, mới giặt và một cái gối êm ái, chăn sạch sẽ giúp bạn duy trì trạng thái ngủ sâu.
Bạn nên dành thời gian để đảm bảo phòng ngủ của bạn được thiết lập cho giấc ngủ tối ưu có thể giúp bạn thư giãn.
Tắt màn hình và các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể cải thiện giấc ngủ của mình là giữ tất cả các thiết bị của bạn bao gồm máy tính bảng, TV, máy tính xách tay, điện thoại xa tầm tay và nếu có thể, ra khỏi phòng ngủ của bạn.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Brigham và Women (Mỹ), ánh sáng xanh lam được tạo ra bởi màn hình điện tử làm rối loạn đồng hồ sinh học bên trong của bạn bằng cách làm cho bộ não của bạn tỉnh táo vào thời điểm cần ngủ.
Điều này không chỉ dẫn đến mất ngủ mà có thể làm tổn hại sức khoẻ tổng thể của bạn.