Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp loại bớt nguy cơ bệnh tật và điều trị kị thời nếu chẳng may mắc bệnh - Ảnh: Getty Images |
Tùy thuộc vào tuổi tác, tiền sử gia đình và các yếu tố lối sống mà các quý ông cần thực hiện các kiểm tra sức khỏe khác nhau, nhưng có 7 bước kiểm tra mà họ không nên bỏ qua, bao gồm:
Bệnh tiểu đường
Bạn có thể không cần tầm soát bệnh tiểu đường nếu bạn duy trì một cân nặng khỏe mạnh và không có các yếu tố nguy cơ khác như cholesterol cao hay huyết áp cao.
Nhưng đối với hầu hết đàn ông trên 45 tuổi, đặc biệt là đàn ông thừa cân, kiểm tra đường huyết lúc đói, hoặc làm xét nghiệm A1C, là điều nên làm.
Các nghiên cứu cho thấy béo phì và tiểu đường type 2 có quan hệ chặt chẽ. Một người bị béo phì càng nặng thì càng có nguy cao cơ mắc tiểu đường type 2 - căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương thần kinh và cắt bỏ chi.
Bệnh lây qua đường tình dục
Cho dù duy trì mối quan hệ lành mạnh một vợ một chồng trong nhiều năm, bạn vẫn cần kiểm tra bệnh lây qua đường tình dục. Các bác sĩ cho biết nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có thể “ẩn náu” trên người bạn trong nhiều năm mà không bị phát hiện. Chẳng hạn mọi người có thể “sống chung” với HIV trong 10 năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo khuyến cáo của Cơ quan phòng ngừa bệnh tật Mỹ, tất cả mọi người trong lứa tuổi 15-65 nên được sàng lọc HIV ít nhất một lần. TS Kevin Polsley - phó giáo sư khoa nội tại Đại học Y Loyola ở Chicago (Mỹ) nói điều này đặc biệt quan trọng với những người quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ, người tiêm chích ma túy hoặc được truyền máu trong giai đoạn 1978-1985.
Một loại bệnh khác cần được sàng lọc nữa là viêm gan C. "Có rất nhiều trường hợp viêm gan C mà không có triệu chứng nào hoặc không biết gì về “thủ phạm” gây ra các triệu chứng của họ", TS Polsley nói.
Chỉ số khối cơ thể (BMI)
Bạn có thể tự mình kiểm tra chỉ số BMI mà không cần phải đi bác sĩ, bằng cách lấy số đo cân nặng chia cho chiều cao x chiều cao. Nếu chỉ số BMI từ 18,5-24,9 thì được coi là bình thường.
Mặc dù tính toán này không phải là hoàn hảo, các bác sĩ vẫn xem nó là một thành phần quan trọng để đánh giá sức khỏe tổng thể, cũng như giúp họ đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống và tập thể dục cho bệnh nhân.
Cholesterol
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo đàn ông nên kiểm tra cholesterol mỗi 4-6 năm một lần từ năm 20 tuổi. "Tính chung thì đàn ông có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn hơn so với phụ nữ, và cholesterol cao thường là nhân tố chính", tiến sĩ Polsley nói .
Với những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao như hút thuốc lá, cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường thì việc kiểm tra cần tiến hành sớm hơn và thường xuyên hơn.
Cholesterol được đo bằng một xét nghiệm máu, và bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn đói trong vòng 9-12 giờ trước khi làm xét nghiệm.
Huyết áp
Đo huyết áp định kỳ giúp phát hiệ kịp thời những bất thường về sức khỏe - Ảnh: mirror.co.uk |
Từ năm 18 tuổi, bạn đã được đo huyết áp mỗi khi gặp bác sĩ. Còn trong điều kiện bình thường, bạn cần kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần, hoặc kiểm tra hàng năm nếu số đo huyết áp của bạn ở “ngưỡng cảnh báo” (số "tâm thu" > 120 hoặc số "tâm trương" > 80).
Bạn có thể kiểm tra huyết áp tại trung tâm y tế, các hiệu thuốc hoặc tại nhà. Nếu huyết áp tâm thu của bạn vượt 130 hoặc huyết áp tâm trương của bạn trên 85, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn uống thuốc hoặc thay đổi lối sống như tập thể dục nhiều hơn, ăn ít muối…
Nội soi đại tràng
Hầu hết đàn ông nên được sàng lọc ung thư đại tràng khi bước vào tuổi 50, riêng những người có người thân bị ung thư đại tràng cần được kiểm tra sớm hơn.
Để nội soi, cần phải nhịn ăn thức ăn đặc trong 1-3 ngày, uống nhiều chất lỏng hoặc dùng thuốc nhuận tràng. Nếu bác sĩ không thấy có gì đáng ngờ, bạn sẽ không cần phải nội soi trong vòng 10 năm.
Kiểm tra tuyến tiền liệt
Theo TS Polsley, tất cả đàn ông trên 50 nên kiểm tra tuyến tiền liệt, đặc biệt khi họ có triệu chứng như đi tiểu thường xuyên hoặc gặp khó khăn khi đi tiểu... Việc phát hiện sớm các vấn đề ở tuyến tiền liệt cho phép bác sĩ có thể can thiệp cứu sống hoặc kéo dài thời gian sống của người bệnh.