Với chủ đề Bệnh dại: Chia sẻ thông điệp, cứu sống tính mạng, các đơn vị tổ chức mong muốn người dân, cơ quan chức năng cùng tham gia, thực hiện các biện pháp phòng chống, loại trừ bệnh dại.
Thống kê của chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), cả nước đã ghi nhận 67 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh thành phố. Con số trên tương đương so với cùng kỳ năm 2017, với 67 người chết tại 29 tỉnh, thành phố.
Trong số này, nhiều người bị chó nhà cắn gây thương tích, thậm chí là tử vong. Trẻ em luôn là đối tượng bị tổn thương nặng về tâm lý, sức khỏe. Số người bị chó tấn công, tử vong do bệnh dại cho thấy sự chủ quan, thờ ơ của người dân với sức khỏe của mình và người thân.
Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vắc xin cho chó.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quy định của Nhà nước về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại chưa đi vào cuộc sống. Bằng chứng là tình trạng thả chó rông, không rọ mõm khi dắt chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng cho vật nuôi… vẫn phổ biến ở thành phố, nông thôn, miền núi.
Theo TS Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ở Việt Nam bệnh dại còn xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Còn PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Chúng ta cần nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm cải thiện nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh dại ở người. Tăng số điểm tiêm vắc xin và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó.