Tại Hội thảo khoa học nội soi tiêu hóa can thiệp và siêu âm nội soi mật tụy do Bệnh viện E tổ chức, GS.TS Lê Ngọc Thành, GĐ bệnh viện cho biết: Sự gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế cả nước.
Thống kê cho thấy, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số. Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn. Trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong…
Theo ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện E, trong số bệnh nhân mắc bệnh về đường tiêu hóa, số người bị loét dạ dày tăng khá nhanh. Để chẩn đoán bệnh, nội soi là phương pháp cho kết quả tốt nhất. Đây là lý do GS.TS Hidemi Goto - Trưởng khoa Y, ĐH Nagoya, Giám đốc Bệnh viện Meijo (Nhật Bản) và 6 bác sĩ chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa, chuyên gia về siêu âm nội soi tham gia hội thảo cũng như chia sẻ kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh.
Theo GS.TS Hidemi Goto, những kỹ thuật nội soi mới đang áp dụng tại Nhật Bản sẽ được đưa ra giới thiệu tại hội thảo. Đó là những phương pháp điều trị mới cho bệnh lý rối loạn đường ruột, bệnh lý gan mật và cách truy tìm ung thư… với những bệnh nhân được phát hiện ung thư đường tiêu hóa sớm.
Để chuyển giao kỹ thuật, thay vì trình bày báo cáo, các chuyên gia Nhật Bản cùng các bác sĩ Trung tâm tiêu hóa Bệnh viện E tiến hành thực hiện 5 ca bệnh cụ thể. Người bệnh được bác sĩ nội soi chẩn đoán hình ảnh.
Trong số này, bệnh nhân 32 tuổi được xác định có khối u nằm lớp 4 hang vị dạ dày, có cấu trúc âm không đều dạng ống tuyến nên nghĩ đến là tụy lạc chỗ. Thay vì phương pháp phẫu thuật cắt bỏ phần u dạ dày như trước đây, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân theo dõi, tái khám 1 năm/lần. Nếu trong trường hợp kích thước của khối u đó lớn trên 2cm thì chọc hút FNA.