63 tỉnh, thành đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, cả 63 tỉnh, thành đều chủ động có những cách làm thiết thực, sáng tạo nhằm đáp ứng tốt nhất những thay đổi của kỳ thi năm nay.

63 tỉnh, thành đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Phân luồng trong thời gian giao ca

Năm nay, việc thi 2 môn/buổi đã được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Nhiều địa phương có những cách phân luồng hiệu quả, đảm bảo ổn định, trật tự giữa 2 ca thi.

Tại TPHCM, quy định khi thí sinh thi ca 1 xong thì thí sinh ca 2 mới được vào địa điểm thi. Nếu địa điểm thi thi có một cổng phải phân lối ra vào cho thí sinh.

Với địa điểm thi có hai cổng, Sở GD&ĐT khuyến cáo nên sắp xếp cho thí sinh vào một cổng và ra một cổng, tránh sự hỗn độn giữa ca.

Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lý Đại Hồng, Sở đã chỉ đạo các Hội đồng thi phải đưa học sinh vào một vị trí để bảo đảm ổn định, có phân công người hướng dẫn, quản lý các em để chờ đến giờ vào phòng thi, không đứng ngoài cổng trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội thì yêu cầu các Hội đồng thi xây dựng phương án tổ chức phân luồng, ổn định học sinh trong thời gian giao thoa giữa hai ca.

Phương án được thống nhất trên toàn thành phố là khi có hiệu lệnh trống thu bài của ca 1 thì học sinh ca 2 được vào trường thi, nhưng phải bố trí ở khu vực riêng.

Sở cũng yêu cầu các trường tiểu học, THCS lân cận có trách nhiệm mở cửa đón phụ huynh nghỉ ngơi trong thời gian chờ con em làm bài.

Hầu hết các Hội đồng thi của Hà Nội hiện đều có phương án phân luồng học sinh giữa các ca thi bằng cách phân chia học sinh ra vào theo cổng, lối đi khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước - thì cho biết: Tại 31 điểm thi tốt nghiệp toàn tỉnh, các trường sở tại đều bố trí cho các học sinh thi môn thứ hai ở nhà đa năng hoặc khu vực nhà xe có kê bàn ghế, bố trí nước uống, quạt mát để các em ngồi chờ đến giờ thi.

Để tránh lộn xộn giữa 2 ca thi, các đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an địa phương cùng cán bộ, bảo vệ nhà trường để quản lý, giám sát các em chấp hành đúng quy định.

Tạo điều kiện thuận lợi hết sức có thể cho thí sinh

Hạn chế thấp nhất việc thí sinh nhầm phòng thi, giờ thi, Sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo các Hội đồng thi dán danh sách thí sinh ngay trước cổng trường và cửa phòng thi theo môn thi để thí sinh tiện theo dõi.

Trước mỗi môn thi, cán bộ coi thi sẽ tập trung tất cả các thí sinh ngay trước sân trường rồi hướng dẫn các các em vào phòng thi.

Trường hợp thí sinh đi nhầm vào hội đồng thi ghép có cả hệ GDTX và THPT, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ hướng dẫn cho các em đến đúng hội đồng thi mà mình dự thi.

Nếu không thể đến đúng điểm thi kịp thời gian, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ tổ chức cho thí sinh thi ở phòng dự phòng, thí sinh ở hệ nào cho thi đề hệ đó.

Hoặc thí sinh GDTX đi nhầm vào Hội đồng thi chỉ có hệ THPT, Chủ tịch Hội đồng thi hướng dẫn cho thí sinh đến Hội đồng thi gần nhất có hệ GDTX; thậm chí bố trí xe đưa thí sinh đến điểm có hệ GDTX.

Tại Hà Nội, không chỉ thí sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng được bố trí phòng nghỉ ngơi khi chờ tới giờ hoặc nghỉ giữa 2 ca thi. Nếu Hội đồng thi không có đủ phòng trống để phục vụ, lãnh đạo Hội đồng thi kêu gọi các trường tiểu học, THCS trên địa bàn hỗ trợ cho mượn địa điểm làm nơi nghỉ ngơi.

Đề phòng trường hợp thí sinh bỏ quên giấy báo dự thi, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) đã chỉ đạo cán bộ photo thêm giấy báo dự thi. 

Thí sinh nào bỏ quên giấy báo dự thi chính ở nhà có thể liên hệ trực tiếp tại phòng bảo vệ trường để nhận giấy báo dự thi đã photo sẵn.

Cạnh đó, trường còn cử 2 cán bộ tham gia túc trực suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Hai cán bộ này sẽ lưu lại tất cả số điện thoại của phụ huynh thí sinh đề phòng xảy ra sự cố có thể liên hệ báo trực tiếp cho gia đình.

Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Năm nay, lịch thi các môn được in ngay trên thẻ dự thi giúp thí sinh tiện theo dõi để biết cụ thể thời gian thi từng môn. Đây cũng là cách làm của Sở GD&ĐT Gia Lai.

Ngoài việc này, tại Gia Lai, các trường THPT đã chủ động liên hệ với những trường gần hội đồng thi để bố trí cho học sinh ở xa điểm thi có chỗ nghỉ trưa.

Đồng thời, phối hợp cùng phụ huynh bố trí phương tiện đưa đón và cách thức đưa đón thí sinh trong những ngày thi một cách hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh và an ninh cho kỳ thi.

UBND các huyện cũng thể hiện sự quan tâm sâu sát đối với học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh nghèo bằng quyết định xuất ngân sách hỗ trợ tùy vào từng điều kiện cụ thể.

Cụ thể, các huyện Kbang, Chư Pah, Đức Cơ, Đak Pơ hỗ trợ 300.000 đồng/học sinh; huyện Mang Yang: 280.000 đồng/học sinh; các huyện Kông Chro, Chư Pưh, Ia Grai: 200.000 đồng/học sinh; các huyện Ia Pa, Krông Pa, Đak Đoa: 150.000 đồng/học sinh; huyện Phú Thiện và Hội Khuyến học huyện Chư Sê cũng hỗ trợ mỗi em 100.000 đồng.

Đến nay, số tiền hỗ trợ này đã được nhà trường cấp phát cho học sinh kịp thời và đầy đủ trước khi bước vào ngày thi đầu tiên nhằm để động viên, khuyến khích, tạo tâm lý thoải mái để các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ