Kỳ thi năm nay được thầy cô giáo và HS đón nhận trong không khí rất phấn khởi. Ngoài việc chăm lo, ôn tập chu đáo cho HS, công tác “hậu cần” để giúp HS vùng sâu, vùng xa yên tâm đến trường thi cũng được quan tâm…
Tập trung cho thí sinh vùng sâu
Đến nay, việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp ở các địa phương đã sẵn sàng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các điểm đặt Hội đồng Coi thi, cơ sở vật chất được đảm bảo, đặc biệt là ở các phòng thi. Tình hình cung cấp điện, nước, các phương án phòng chống mưa gió, bão lụt, đảm bảo an toàn được đặt lên hàng đầu...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Tham gia kỳ thi năm nay có 9.317 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 7.997 thí sinh hệ THPT và 1.320 thí sinh hệ GDTX). Toàn thành phố có 22 HĐCT.
“Hiện có 9/9 quận, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thi. Lực lượng Công an thành phố, Điện lực, Y tế, Giao thông vận tải, Bưu điện… cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành hỗ trợ tổ chức kỳ thi” - Ông Hùng cho biết.
Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra thuận lợi, đặc biệt là thí sinh ở vùng sâu vùng xa đến trường thi, ngành GD Cần Thơ đã chỉ đạo các cơ sở GD có HS dự thi ở các HĐCT xa nhà, chủ động phối hợp với ban đại diện cha mẹ HS và đoàn thể, cơ quan, ban, ngành của địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho HS trong những ngày thi như tổ chức xe đưa đón, ăn trưa…
Ông Võ Minh Lợi - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: “Thành phố có 22 HĐCT, chúng tôi đã bố trí thuận lợi và tạo điều kiện cho thí sinh, các em không phải đi xa đến điểm thi như các năm trước”.
Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, toàn tỉnh có 12.531 thí sinh đăng ký dự thi (hệ THPT 11.533 thí sinh, hệ GDTX có 998 thí sinh). Tỉnh đã bố trí 35 HĐCT với 539 phòng thi.
Một trong những huyện thuộc vùng sâu của tỉnh là huyện Tháp Mười. Để chuẩn bị cho kỳ thi, UBND huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đặc biệt đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông.
Huyện quan tâm và lưu ý các bến đò dọc, đò ngang phải đảm bảo an toàn, liên tục để thí sinh đến trường thi thuận lợi. Ngoài ra ngành y tế bố trí bác sĩ ở các HĐCT và ra quân kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các điểm kinh doanh ăn uống trong các ngày thi...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 toàn tỉnh Bạc Liêu có 4.995 thí sinh dự thi tại 17 HĐCT với 226 phòng thi. Bạc Liêu là tỉnh có địa bàn rộng, nhiều nơi thuộc vùng sâu vùng xa nên công tác chăm lo cho thí sinh đi thi được đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình - cho biết: “Bên cạnh việc chỉ đạo các trường hướng dẫn ôn thi cho HS theo đúng kế hoạch, huyện còn chỉ đạo các trường khẩn trương rà soát, thống kê danh sách HS khối lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn để huyện có phương án hỗ trợ các em trong những ngày đi thi”.
Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ngay từ đầu tháng Năm cũng đề nghị địa phương, các trường khẩn trương rà soát tình hình HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời…
Bố trí phòng chờ cho HS và GV
Điều được các địa phương ở ĐBSCL quan tâm là các bến phà và bến đò dọc, đò ngang phải đảm bảo an toàn, hoạt động liên tục để thí sinh đến trường thi thuận lợi |
Năm nay do các thí sinh đăng ký thi tự chọn ở nhiều môn khác nhau nên ngoài các môn thi bắt buộc thì lịch thi ở các môn tự chọn không trùng giờ, phải chia ca thi trước, sau trong cùng một buổi thi.
Đặc biệt là phải bố trí địa điểm cho các thí sinh thi ca hai chờ đến giờ thi, tránh tình trạng lộn xộn, kẹt xe, ùn tắc hoặc tập trung đông thí sinh trước cổng trường. Vì vậy vấn đề bố trí nơi tập trung HS giữa hai ca thi cũng được các địa phương hết sức quan tâm.
Ông Võ Minh Lợi - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: “Vấn đề quan tâm là yếu tố bất thường của thời tiết vì Nam Bộ đang vào đầu mùa mưa.
Đảm bảo cho các thí sinh thi thuận lợi, ngành chỉ đạo các Chủ tịch HĐCT, các địa phương vận động các nguồn lực xã hội để tạo điều kiện cho thí sinh khi trời mưa gió.
Cụ thể các HĐCT có trường THCS, TH ở gần thì các đơn vị này mở cửa để thí sinh có thể tạm trú trong lúc chờ vào ca thi. Ngoài ra một số nơi sẽ liên hệ các cơ sở dịch vụ công cộng, quán xá, trụ sở, cơ quan để tạo điều kiện giúp đỡ thí sinh ổn định và có nơi để chờ vào thi…”.
Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Long, Sở đã chỉ đạo các HĐCT phải đưa HS vào một vị trí để đảm bảo ổn định, có phân công người hướng dẫn, quản lý các em để chờ đến giờ vào phòng thi. Hội đồng thi nào dự phòng sẽ bố trí phòng chờ để HS ổn định giữa hai môn thi, không để HS đứng ngoài cổng trường.
Ông Lý Đại Hồng - Phó GĐ Sở GD&ĐT Vĩnh Long - cho biết: Ngành chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất, trang bị, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng vì có môn thi bắt đầu từ 16 giờ. Ngoài ra những việc nhỏ như nhắc nhở các em HS trang bị áo mưa cũng được các trường lưu ý…”.
Toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 11.200 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Do có những môn thi tự chọn nên có nhiều trường hợp thí sinh phải thi 2 - 3 ca nên có những áp lực nhất định.
Ngoài việc trang bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất ở những phòng thi, các HĐCT còn mượn cơ sở trường TH, THCS làm khu tập kết để HS chờ đến ca thi thứ hai. Ngoài ra, các HĐCT sắp xếp nơi chờ của GV, của giám thị phải làm việc ở những ca sau.
“Các điểm trường được chọn làm HĐCT tập trung, rà soát điều kiện cơ sở vật chất, bổ sung ngay những trang thiết bị còn thiếu, đảm bảo phục vụ giám thị và thí sinh một cách tốt nhất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em cho biết.
Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) năm nay có 1.341 thí sinh dự thi ở 5 HĐCT đặt tại 5 trường THPT với 58 phòng thi. Dù huyện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là địa bàn rộng, cách xa nhưng các trường đã bố trí điểm tập trung cho HS trong thời gian chờ thi.
Nhờ đó đã giúp các em HS nghỉ ngơi chờ thi giữa các ca thi khác nhau và tránh cho HS phải di chuyển nhiều trong cả một ngày thi...