Rau củ quả là một trong những nhóm thực phẩm cực kì tốt cho sức khỏe và không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của bất kì ai.
Ngoài việc cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng, rau củ quả còn bổ sung lượng chất xơ dồi dào cho cơ thể, tốt cho quá trình tiêu hóa, giảm thiểu táo bón.
Hơn nữa, với hàm lượng calo thấp, các loại rau củ thực sự rất có lợi cho những người muốn ăn kiêng, giảm cân. "Tiêu thụ rau củ quả an toàn là một trong những hành vi có mối liên quan trực tiếp nhất với việc duy trì trọng lượng trong dài hạn, duy trì sức khỏe và tuổi thọ..." - Alissa Rumsey, bác sĩ của Bệnh viện Trung tâm y tế Weill Cornell NewYork-Presbyterian giải thích.
Tuy nhiên, cho dù các loại rau củ quả có nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng không có nghĩa là bạn có thể bạn ăn nhiêu cũng được và ăn tùy ý.
Trong một số trường hợp, việc tiêu thụ rau củ quả cần phải chú ý trong chừng mực, thậm chí nên hạn chế. Đặc biệt, khi bị một số bệnh như tiêu chảy, đau bụng, khó chịu trong dạ dày... thì việc ăn nhiều rau củ quả càng cần phải cẩn trọng.
Dưới đây là một số thời điểm bạn không được ăn rau một cách tùy ý:
1. Khi bị bệnh viêm ruột Crohn
Khi bị bệnh viêm ruột này, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm nhẹ để dạ dày và ruột không phải làm việc nhiều, mau hồi phục. Trong trường hợp này, người bệnh nên cắt giảm các loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
"Chế độ ăn ít chất xơ sẽ giúp những người bị bệnh viêm ruột Crohn cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, sau khi bệnh thuyên giảm thì cần ăn uống đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng và ăn rau bình thường".
2. Khi bị đầy hơi, đầy bụng
Một số loại thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao như bông cải xanh, cải bruxen, cải bắp, và măng tây hay các loại đậu... có thể làm cho tình trạng đầy hơi, đầy khí trong dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Đầy hơi cũng có thể xảy ra khi một người cố gắng ăn nhiều chất xơ nhưng cơ thể không tiêu thụ hết" - Rumsey cảnh báo.
Chính vì vậy, khi bị đầy bụng, đầy hơi, bạn không nên ăn nhiều rau củ quả cho dù bạn rất thích món ăn này.
3. Trước hoặc sau phẫu thuật dà dày, ruột
Sau khi phẫu thuật dạ dày, ruột, chẳng hạn như một cắt bỏ ruột, hầu hết bệnh nhân sẽ phải kiêng tiêu thụ rau trong khoảng 2-6 tuần để vết thương trong ruột mau lành. Thời gian kiêng ăn rau có thể tùy vào mỗi bệnh nhân và mỗi loại phẫu thuật.
"Chúng tôi thường khuyên người bệnh nên ăn ít chất xơ để giảm sự lưu chuyển của chất đó qua ruột. Sau khi bình phục, họ lên tiêu thụ lại để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể" - Rumsey giải thích.
4. Khi bị hội chứng ruột kích thích
Tương tự như khi bị bệnh viêm ruột Crohn, người có hội chứng ruột kích thích (IBS) sẽ cảm thấy tốt hơn nếu có chế độ ăn uống ít chất xơ. Chế độ ăn này sẽ giúp tránh các triệu chứng chướng bụng, đau bụng, chuột rút và tiêu chảy do hội chứng kích thích ruột gây ra.
"Đối với những bệnh nhân bị chứng kích thích ruột, điều quan trọng là bạn phải biết mình có thể tiêu thụ tốt những thực phẩm nào. Cố gắng để tránh tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ có thể ngăn ngừa các triệu chứng xuất hiện trầm trọng" - Bác sĩ Rumsey giải thích.
5. Nếu bị bệnh thận
"Những người có bệnh thận mãn tính hoặc suy thận nên tránh ăn nhiều các loại rau có chứa chất kali và phốt pho vì thận không thể lọc được các hợp chất này khỏi máu" - Rumsey cho biết.
Danh sách những thực phẩm hầu hết các bệnh nhân bị bệnh thận cần tránh bao gồm khoai lang, khoai tây, măng tây, nấm và cải Brussels.
6. Khi bị ợ nóng
"Nếu bị ợ nóng, bạn nên tránh ăn cà chua vì nó có tính axit. Lượng axit từ cà chua có thể làm cho các triệu chứng khó chịu do ợ nóng trở nên trầm trọng hơn và kéo theo là tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản" - Bác sĩ Rumsey cho biết.
Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng, lời khuyên cho bạn là nên có danh sách các loại rau củ quả bạn nên và không nên ăn để giảm thiểu sự xuất hiện của các triệu chứng khó chịu do bệnh này gây ra.
Theo afamily.vn