553 đại biểu tham dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI

GD&TĐ - Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 29-31/12.

Trưng bày chuyên đề: “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” để chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề: “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” để chào mừng Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam.
Hội nghị đảng viên và phiên trù bị Đại hội XI tổ chức tại hội trường Nhà khách La Thành; phiên chính thức Đại hội XI diễn ra tại Hội trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.

Tham dự Đại hội sẽ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, một số địa phương và 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo, đài và các cấp Hội Nhà báo; phóng viên, nhà báo tới dự, đưa tin về Đại hội.

Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Đại hội lần thứ XI có nhiệm vụ: Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ năm qua; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ XI; thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Ngày 21/4/1950, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra đời với tên gọi ban đầu là Hội Những người viết báo Việt Nam, tại thôn Roòng Khoa - xã Điềm Mặc – huyện Định Hóa - tỉnh Thái Nguyên. Nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Gần 72 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành 10 kỳ Đại hội, nhiệm kỳ sau kế thừa nhiệm kỳ trước, kiên cường, bền bỉ, nỗ lực thực thi sứ mệnh xây dựng nền móng vững vàng của báo chí cách mạng; đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhà báo - chiến sĩ một lòng vì Tổ quốc; bảo vệ, nâng cao địa vị của những người làm báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ