1. Vị Đại tướng duy nhất không được đào tạo ở một bất kỳ trường quân sự nào
Năm 1948, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong cho Võ Nguyên Giáp quân hàm Đại tướng thì trước đó, ông đã được trưởng thành qua hoạt động chính trị, đi vận động quần chúng, phát triển lực lượng vũ trang, thành lập và xây dựng đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Qua tôi luyện bằng thực tiễn chiến đấu và tiếp thu, nghiên cứu học tập kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc ta và trên thế giới, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng kiệt xuất mà không học qua bất cứ một trường quân sự nào.
2. Vị Đại tướng trẻ tuổi nhất
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ.
Ngày 25/8/1948, tại xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra lễ thụ phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp.
Ông là quân nhân đầu tiên không qua các cấp trung gian cấp bậc quân hàm trong quân đội, được đặc cách phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi và cũng là vị Đại tướng trẻ tuổi nhất.
3. Vị tướng gần gũi, xuất sắc nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách lớn
Tháng 6/1940 tại Côn Minh ( Trung Quốc), Võ Nguyên Giáp được gặp Nguyễn Ái Quốc và từ đó, ông luôn có may mắn và vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Người, được Người dìu dắt, giao nhiệm vụ, rèn luyện thử thách trong thời kỳ đầu cách mạng.
Ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.Đội quân đó đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1950, trước khi mở màn chiến dịch Biên giới, ông đã cân nhắc và chọn điểm đột phá giữa thị xã Cao Bằng và Đông Khê. Sau khi trực tiếp nắm tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định bỏ Cao Bằng, đánh Đông Khê để mở màn cho chiến dịch. Đây là quyết định lịch sử đầu tiên của ông có ý nghĩa “đánh điểm, diệt viện”.
Trước khi khai màn chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là Tổng Tư lệnh, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng”.
Thấm nhuần lời dặn của Hồ Chủ tịch, ông đã thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau này, trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, ông đã thổ lộ rằng: “Tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, khi tình thế cấp bách, trước thời khắc vận mệnh của lịch sử, nắm bắt thời cơ chiến lược, ông đã hạ lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”.
Mệnh lệnh đó ngay lập tức đã được truyền đạt tới toàn quân và trở thành một sức mạnh phi thường để rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam từ 2 năm (1975-1976) xuống 1 năm (1975) và cuối cùng là 55 ngày đêm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
4. Vị tướng hậu cần vĩ đại nhất mọi thời đại
Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và được cả Pháp lẫn Mỹ coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây Bắc”, “cối xay thịt của Việt Cộng”.
Trong chiến tranh hiện đại, hỏa lực là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quyết định sự thắng bại. Trong điều kiện địa hình núi rừng Tây Bắc hiểm trở, quân ta khó có thể đưa được các loại pháo lớn vào thung lũng Mường Thanh.
Tuy nhiên, các tướng Pháp tại Điện Biên Phủ đã không ngờ đến sự sáng tạo của quân đội ta (tháo rời từng các bộ phận của khẩu đại bác và súng hạng nặng sau đó vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ để mang lên các ngọn đồi, lắp ráp lại để tấn công bằng những đòn khai hỏa). Chính các lực lượng pháo binh, pháo cao xạ tại chiến trường Điện Biên Phủ đã làm cho nhiều toán lính Pháp choáng váng và mọi toan tính của Pháp bị đảo lộn.
Tướng Nava từ không ngờ đến bất ngờ, phải chấp nhận bất lực vì những chiếc xe đạp thồ chất đầy lương thực, vũ khí, thuốc men, đạn dược được điều khiển bởi những những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bằng ý chí “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” phục vụ chiến đấu và chiến đấu.
Nhà sử học người Mỹ Cecil B.Currey đã viết: “Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu tài chính nhưng là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.
5. Kiến trúc sư của những sáng tạo nghệ thuật quân sự lớn nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhận xét về nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo nói: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy của cách đánh. Anh luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo. Anh là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất.”
Trong mỗi trận đánh, ông đã bộc lộ tài năng kiệt xuất với những sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo, trên cơ sở kế thừa có hiệu quả nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp thu và học tập nghệ thuật quân sự Đông-Tây.
Ông đã phát huy lên tầm cao mới nghệ thuật chiến tranh nhân dân trở thành một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân tham gia, toàn diện trên các mặt trận, kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 65 năm trước là sự thể hiện nhãn quan chính trị của tướng Giáp trong việc đáng giá thời cơ chiến lược, bảo đảm chắc đánh chắc thắng. Ông không bao giờ chấp nhận một chiến thắng mà phải trả bằng mọi giá. Vì vậy, ông là người sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo chưa hề có trong lịch sử chiến tranh cả ở Việt Nam và trên thế giới như phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc, tiến chắc, “đánh điểm diệt viện”, kết hợp “vận động chiến với công kiên chiến”.
Chính nghệ thuật quân sự và cách đánh độc đáo đã gây cho đối phương nhiều bất ngờ, lúng túng và bị động đối phó, làm chuyển hóa căn bản trong tương quan lực lượng gây suy yếu cho địch và đánh bại hoàn toàn ý chí gây chiến tranh xâm lược trong khi Pháp quân đang hùng, tướng đang mạnh, vũ khí đang đầy kho.
Dân công hỏa tuyến thồ gạo ra chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh TL. |
6. Vị tướng duy nhất liên tục đánh bại Pháp và Mỹ, đánh bại nhiều tướng nhất
Trong 30 năm làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946-1976) ông đã tổ chức chỉ huy quân và dân ta lần lượt đánh bại các đạo quân xâm lược của phát xít Nhật để giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau đó là đánh thắng đội quân viễn chính Pháp gần 20 vạn tên, và cuối cùng là đánh bại đội quân xâm lược tinh nhuệ của đế quốc Mỹ 54 vạn quân cùng 6 vạn quân đồng minh của Mỹ.
Nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti viết: “Ông vẫn còn lưu lại trong lịch sử như một trong những Tổng Tư lệnh chiến tranh vĩ đại của thế kỷ XX, người duy nhất liên tục đánh bại Pháp và hạ thủ Mỹ”.
Theo hãng tin AFP của Pháp, “tướng Giáp được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử và là kiến trúc sư cho các chiến thắng lẫy lừng chống lại Pháp và Mỹ”.
Trong lịch sử thế kỷ XX, thế giới không có một vị tướng nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đã đánh bại nhiều tướng nhất và được cả thế giới vinh danh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), một loạt các tướng nổi tiếng của nước Pháp lần lượt bị ông đánh bại: Philippe Le Clere, Etienne Valluy, C.Blaijat, M.Corgente ,Delattre De Tassigny, Raul Salan, Cogny, Nava, Ely.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), từ năm 1955 đến năm 1960, Mỹ đã phải thay 2 Đại sứ Mỹ ở miền Nam. Từ 1961 đến 1964, tướng Harkins bị triều hồi. Tháng 8/1964, Tổng tư lệnh William Westmorland thay thế Paul Harkins và trở thành vị chỉ huy cấp cao nhất của quân đội Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1962 đến 1968, tướng R.McNamara sang Việt Nam với vai trò là “kiến trúc sư trưởng” nhưng liên tiếp không được như Mỹ mong đợi với sự phá sản của các chiến lược, kế hoạch chiến tranh ở miền Nam.
Từ năm 1965 đến 1975, Tổng Tư lệnh C.Abrams được thay bằng tướng F.C. Weyand nhưng chính vị tướng này lại là người cuốn cờ để rút quân về Mỹ. Như vậy, Mỹ đã phải 4 lần thay tướng Tổng Tư lệnh. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị thương vong 20 tướng khác trong chiến tranh Việt Nam.
7. Vị tướng danh tiếng nhất trong lịch sử thế giới còn sống sau khi được lựa chọn
Ducan Townson, tác giả cuốn sách “Những vị tướng lừng danh”, xuất bản tại London đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannniban rồi đến thời cận hiện đại với Kutudop, Giucop..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.
“Tân bách khoa toàn thư” của nước Anh trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ cổ đại cho đến ngày nay đã giới thiệu 2 danh tướng Việt Nam là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.
Trong cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2008 mang tựa đề “Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ” giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua, thứ tự được xếp theo trình tự thời gian từ cổ đến kim.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lựa chọn là nhân vật thứ 59, tức là nhân vật nổi bật nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 cho tới hiện nay, và cũng là người duy nhất trong 59 nhân vật vẫn còn sống khi cuốn sách được xuất bản. Và ông cũng là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang tại thế.
8. Vị tướng thiên tài về quân sự lớn nhất thế kỷ XX được đối thủ nể phục nhất
Năm 1984, trong Hội nghị các nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu thế giới được tổ chức tại thủ đô Vương quốc Anh đã nhất trí bầu chọn Võ Nguyên Giáp là 1 trong 10 vị tướng huyền thoại xuất sắc nhất mọi thời đại của nhân loại.
Kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên của Time Asia (Thời báo châu Á) với số đặc biệt đã giới thiệu danh sách các “Anh hùng châu Á”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạp chí này đánh giá là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực trong những thập niên nửa cuối thế kỷ XX.
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà chính trị, quân sự trên thế giới cũng đánh giá ông là “Một thống soái vĩ đại”, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Dù từng là kẻ thù trên chiến trường Việt Nam, nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất của Pháp và Mỹ dù đã bị Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh bại nhưng họ vẫn thể hiện sự kính phục sâu sắc dành cho ông.
Tướng De Castries chỉ huy quân viễn chính Pháp tại Diện Biên Phủ đã phải thành thực thốt lên rằng: “Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi, tài giỏi hơn tôi đã đành mà còn hơn cả tướng Cogny và Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”
Tướng Mỹ là Willliam Westmoreland thì nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mọi đức tính tạo thành một nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp – một vị chỉ huy vĩ đại”.
9. Vị tướng viết nhiều sách nhất
Ngoài một vị tướng chỉ huy quân sự lừng danh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một tác giả đóng góp vào kho tàng lý luận về chiến tranh nhân dân, về học thuyết quân sự Việt Nam, vào kho tàng sử học và văn học của nước nhà với 64 đầu sách với hơn 10 vạn trang in.
Các tác phẩm nổi bật của ông như “Từ nhân dân mà ra”, “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
10. Vị tướng sống lâu nhất từng được biết đến trong lịch sử quân sự thế giới và cũng là vị tướng “Dĩ công vi thượng” nhất
Trong các vị tướng quân sự Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có hạnh phúc lớn nhất là người sống thọ nhất trong số những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội kể từ năm 1945 đến nay với tuổi thọ 103.
Võ Nguyên Giáp là vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới không chỉ vì tài năng và sự nghiệp của ông đã cống hiến mà còn vì phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng yêu nước thương dân, toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Nét đẹp cao quý nổi bật nhất, tập trung nhất về nhân cách của ông chính là tư tưởng, tinh thần “Dĩ công vi thượng”, luôn sống và hành xử khiêm tốn, giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ và bao dung, nhân hậu. Là một vị tướng trọn đời vì nước, vì dân, ông nói : “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.