5 vụ cướp tàu hỏa gây rúng động thế giới

GD&TĐ - Trong lịch sử hình thành và phát triển, ngành đường sắt thế giới phải chứng kiến không ít vụ cướp táo tợn, liều lĩnh như dùng sợi dây đánh bật đường ray, tráo vàng thành chì ngay trên tàu hỏa...

Khu vực tưởng niệm vụ cướp tại thành phố Adair.
Khu vực tưởng niệm vụ cướp tại thành phố Adair.

Vụ cướp khởi nguồn trong ngành đường sắt Mỹ

Jesse James là tên tội phạm người Mỹ nổi tiếng với những phi vụ cướp ngân hàng. Nhưng hắn ta cũng là một trong những kẻ đầu tiên liều lĩnh cướp một đoàn tàu đang di chuyển. Vụ cướp xảy ra vào tối ngày 21/7/1873, gần thành phố Adair, bang Iowa, Mỹ. Jesse James được tin báo một đoàn tàu chở vàng thỏi trị giá 75.000 USD sẽ đi qua thành phố Adair về hướng Đông nước Mỹ.

Sau khi thu thập thông tin về lịch trình di chuyển của chuyến tàu, James và băng nhóm của mình quyết định phá hủy một đoạn đường ray trên tuyến đường sắt Đảo Đá, bang Chicago - Thái Bình Dương, nơi đoàn tàu đi qua. Địa điểm chúng chọn để thực hiện phi vụ nằm gần thành phố Adair, khu vực có dân cư thưa thớt, ít người qua lại.

Băng nhóm của Jesse đã cạy một tấm nối giữa hai đường ray, nhổ đinh và buộc thanh ray lỏng lẻo vào một sợi dây dẫn. Sau đó, chúng náu mình bên đồi gần đó để theo dõi.

Khi con tàu mục tiêu vòng qua một khúc cua mù mịt, những tên trộm giật mạnh sợi dây để đánh bật đường ray, khiến toa đầu tàu bị trật bánh, lật xuống con mương gần đó. Vụ va chạm khiến người lái tàu và quản đốc đều thiệt mạng. Một số hành khách bị thương. Tuy nhiên, những toa xe còn lại vẫn ổn định trên đường ray.

Ngụy trang sau chiếc mặt nạ vải trắng, Jesse và anh trai hắn, Frank, đột nhập toa tàu để tìm kiếm két sắt của hãng tàu US Express Company. Hai người chắc mẩm két sẽ chứa kho vàng thỏi lớn nhưng khi mở ra, họ chỉ tìm thấy khoảng 3.000 USD. Họ chuyển sang cướp tiền, trang sức và đồ vật có giá trị của hành khách rồi nhanh chóng bỏ trốn.

Tin tức về vụ trộm nhanh chóng bao phủ các trang báo và được người dân khắp nước Mỹ truyền tai nhau. Thống đốc bang Missouri thông báo thưởng 10.000 USD cho ai bắt được Jesse James. Băng đảng của hắn ta tiếp tục chạy trốn, cướp ngân hàng và tàu hỏa trong gần một thập kỷ cho đến khi Jesse bị sát hại vào ngày 3/4/1882.

Ngày nay, để tưởng niệm phi vụ cướp tàu đang di chuyển đầu tiên trên thế giới, người dân thành phố Adair xây đài tưởng niệm ở vị trí đoàn tàu bị lật. Ngày nay, các chuyến tàu vẫn lăn bánh qua Adair. Nhiều hành khách không hay biết họ đang đi qua thành phố đã tạo nên lịch sử của miền Tây hoang dã, với những tên cướp ranh ma, liều lĩnh.

Vụ cướp tàu lớn nhất nước Anh

Cảnh sát điều tra vụ cướp tàu Royal Mail.
Cảnh sát điều tra vụ cướp tàu Royal Mail.

Vụ cướp tàu lớn nhất trong lịch sử nước Anh xảy ra vào tháng 8/1963 trên chuyến tàu Royal Mail Glasgow - London. Một băng nhóm gồm 15 tên đội mũ, đeo mặt nạ trượt tuyết, găng tay và mang vũ trang đã cướp khoảng 2,6 triệu bảng Anh tiền mặt dưới sự hỗ trợ của hai kẻ đồng phạm nắm giữ thông tin về con tàu.

Sáng sớm ngày 8/8, toán cướp đã phá hủy tín hiệu đèn xanh tại cột báo giao thông trên đường Sears Crossing, thay thế bằng đèn pin màu đỏ. Nghi ngờ đoạn đường có sự cố, một người lính cứu hỏa trên tàu đã xuống kiểm tra và bị đánh bất tỉnh.

Người kỹ sư lái tàu cũng bị khống chế bằng một cú đánh vào đầu. Những thành viên trong nhóm cướp tháo rời hầu hết các toa, ép người lái tàu di chuyển toa chứa tiền đến nơi trú ẩn cách đó một dặm.

Chúng nhanh chóng chuyển 120 túi tiền mặt từ tàu vào 3 chiếc ô tô đang chờ sẵn. Sau khi phóng hỏa nơi trú ẩn, chúng lên xe bỏ trốn. Trong vài ngày đầu, cả nhóm say sưa ăn mừng chiến tích.

Sau khi khám nghiệm hiện trường vụ phóng hỏa, cảnh sát Anh đã tìm thấy dấu vân tay của băng đảng, nhờ đó dễ dàng truy lùng dấu vết các thành viên. 12 trong số 15 tên cướp đã bị bắt và bị kết án 13 năm tù.

Trong 5 năm tiếp theo, các nhà chức trách tiếp tục truy vết và tóm gọn 3 thành viên đã bỏ trốn gồm Bruce Reynolds, Ronald “Buster” Edwards và James White. Cảnh sát chỉ thu hồi được 10% số tiền bị đánh cắp.

Dù bị bắt vào tù, băng đảng này vẫn tiếp tục gây chấn động nước Anh khi Ronnie Biggs, một thành viên của nhóm, đã trốn thoát khỏi nhà tù vào năm 1965. Hắn ta bỏ trốn đến Paris, Pháp và Australia nhưng đến năm 2001, Biggs trở lại Anh vì tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu. Ông bị bắt lại và qua đời trong tù vào tháng 12/2013, hưởng thọ 84 tuổi.

Tráo vàng thành chì ở Anh

Vàng bị tráo thành chì trên đường vận chuyển từ Anh đến Pháp.
Vàng bị tráo thành chì trên đường vận chuyển từ Anh đến Pháp.

Đối với ngành đường sắt thế giới, vụ tráo vàng tại Anh năm 1855 vẫn là một bài học chấn động, đắt giá. Trên chuyến tàu của hãng đường sắt South Eastern đi từ ga London (Anh) đến Paris (Pháp), hơn 90kg vàng trị giá 12.000 bảng Anh đã bị đánh cắp. Theo lịch trình, số vàng này sẽ được di chuyển đến cảng Folkestone, Anh để vận chuyển qua eo biển đến cảng Boulogne, Pháp.

Đêm ngày 15/5/1855, ba hòm chứa vàng được niêm phong, đặt trong tủ khóa cẩn thận trên tàu của hãng South Eastern. Nhưng khi đến Pháp, các nhân viên vận chuyển nhận thấy hòm chứa tương đối nhẹ so với vật phẩm bên trong.

Dù cảm thấy bất thường, họ vẫn di chuyển các hòm chứa vàng theo đường tàu hỏa về Paris. Nhưng tại đây, nhân viên chuyên trách ngỡ ngàng phát hiện bên trong hộp chứa, vàng đã biến thành chì. Như vậy, vụ đánh tráo đã diễn ra trước khi hộp chứa được vận chuyển đến Pháp.

Qua điều tra, cảnh sát nhận thấy những tên cướp đã phải hành động khi tàu đang di chuyển từ ga London đến cảng Folkstone. Cảnh sát Anh và Pháp cùng bắt tay điều tra trong nhiều tháng, bắt giữ hàng trăm nghi phạm nhưng không thu được kết quả khả quan.

Hãng đường sắt South Eastern trao thưởng lớn cho những người cung cấp thông tin giá trị để bắt giữ nghi phạm và tìm lại số vàng đã mất nhưng không thành công.

Đến tháng 8/1855, Edward Agar, tên tội phạm chuyên nghiệp, bị bắt vì sử dụng séc giả. Cảnh sát cũng nghi ngờ người này liên quan đến vụ tráo vàng nên đã tra hỏi và tìm ra sự thật.

Agar đã cùng đồng bọn, Pierce, lên kế hoạch cướp vàng vì Agar làm việc tại hãng South Eastern nên có thông tin về chuyến tàu. Agar đã sắp xếp hộp chứa vàng trên chuyến tàu từ ga London đến Folkestone và mô phỏng lại chìa khóa hộp chứa vàng.

Đến ngày 15/5, cả hai đóng giả thành quý ông, mua vé tàu đi Folkestone và đánh tráo vàng nhờ chiếc chìa khóa sao chép. Trong những tuần sau đó, hai người nấu chảy vàng đem đi bán. Khi Agar bị bắt, Pierce đã chôn vàng trước cửa nhà nhưng vẫn bị phát hiện.

Vụ việc khiến người dân Anh bàng hoàng vì với số lượng của cải khổng lồ, nhóm cướp chỉ cần thực hiện những thao tác nhỏ, đơn giản để qua mặt giới chức.

Cướp tàu để phản đối ách thống trị

Vụ cướp tàu Kakori nhằm phản đối ách thống trị của Anh tại Ấn Độ.
Vụ cướp tàu Kakori nhằm phản đối ách thống trị của Anh tại Ấn Độ.

Hầu hết các vụ cướp đường sắt đến từ lòng tham mù quáng nhưng với nhiều người Ấn Độ, vụ cướp tàu Kakori năm 1925 là hành động phản đối chính trị. Ngày 9/8/1925, một chuyến tàu di chuyển đến bang Uttar Pradesh mang theo khoản tiền lớn thu được từ các ga đường sắt, gửi về Lucknow, trạm dừng cuối cùng.

Ramprasad Bismil dẫn đầu nhóm gồm 10 nhà hoạt động chính trị đã lên kế hoạch chặn tàu, kiểm soát lái tàu, người bảo vệ và hành khách trên chuyến đi. Nhóm đã phá vỡ rương đựng để chiếm đoạt tiền và bỏ trốn.

Qua điều tra, cảnh sát phát hiện nhóm người này là thành viên của tổ chức mới thành lập, mang tên Hiệp hội Cộng hòa Hindustan (HRA), tổ chức chiến binh muốn giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của Anh. Để tài trợ cho các hoạt động cách mạng, HRA đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào tàu hỏa để cướp tài sản.

Trong vòng một tháng sau cuộc tấn công, hơn 20 thành viên của HRA bị bắt vì đã âm mưu thực hiện hành vi cướp tàu. Đến cuối cùng, khoảng 40 người bị kết án. 4 người bị kết án tử hình, một người bị tù chung thân.

Hầu hết các bị cáo còn lại hưởng án lên đến 14 năm tù. Nhiều người dân Ấn Độ đã phản đối mức án tử hình cho 4 thành viên của HRA nhưng việc hành quyết vẫn được thực hiện vào tháng 12/1927.

Đánh sập cầu để cướp tàu

Phần đầu tàu bị phá hủy sau vụ cướp tại Wilcox, Mỹ.
Phần đầu tàu bị phá hủy sau vụ cướp tại Wilcox, Mỹ.

Vào cuối thế kỷ 19, Robert LeRoy Parker, còn được biết đến với biệt danh Butch Cassidy, cầm đầu băng cướp The Wild Bunch. Nhóm này đã tiến hành trót lọt nhiều vụ trộm đường sắt nhưng thành tích lẫy lừng nhất là vụ cướp tàu hỏa tại Wilcox vào năm 1899 tại bang Wyoming, Mỹ.

Tàu hỏa Union Pacific Overland Flyer số 1 có hai phần, mỗi phần được vận hành bởi đầu máy riêng. Rạng sáng ngày 2/6, hai thành viên trong băng đảng The Wild Bucnh đã đột nhập vào phần đầu tàu, ra lệnh cho kỹ sư lái tàu di chuyển đoàn tàu qua một cây cầu ở Wilcox, bang Wyoming.

Tại đây, các thành viên khác trong nhóm đã châm ngòi nổ, chỉ đợi đoàn tàu tiến vào để đánh sập cây cầu, khiến con tàu mắc kẹt vào hẻm núi gần đó. Phần tàu thứ hai bị chúng chặn giữ ở bên ngoài hẻm núi.

Sau đó, nhóm yêu cầu kỹ sư tháo rời các toa xe trong phần đầu tàu. Hành khách không phải điều chúng quan tâm mà The Wild Bunch chỉ đang chăm chú tìm kiếm các gói tiền.

Chúng dùng chất nổ phá cửa các toa xe và cướp số tiền trị giá khoảng 30.000 USD, 19 ghim cài khăn, 29 cặp khuy măng sét mạ vàng, 4 đồng hồ Elgin. Sau đó, nhóm cướp trốn thoát theo hướng Bắc, để mặc đoàn tàu nằm trơ trọi trong hẻm núi.

Ngay sau vụ việc, công ty đường sắt Thái Bình Dương, công ty chuyển phát nhanh Thái Bình Dương và lực lượng chức năng Mỹ đã treo thưởng 18.000 USD cho những ai phát hiện ra sáu tên cướp.

Đến khoảng 9 giờ sáng, các lực lượng điều tra đã cử thám tử, cảnh sát địa phương và những con chó nghiệp vụ được huấn luyện tốt nhất tham gia vào cuộc truy vết. Thống đốc bang Wyoming cũng cử Đại đội C trong lực lượng dân quân tiểu bang tham gia hỗ trợ. Trong vòng 24 giờ, gần 100 lính biệt kích được huy động.

Sau thời gian dài điều tra, nhóm thám tử đã tập trung chú ý vào các thành viên của băng đảng The Wild Bunch vì phương thức hoạt động của nhóm cướp có điểm chung với băng đảng này.

Butch Cassidy, ông trùm của băng đảng, dường như không tham gia vào vụ cướp dù được chia chiến lợi phẩm. Vì vậy, chính quyền không thể truy bắt hắn ta trong khi các thành viên khác lẩn trốn rất tinh vi. Phải mất rất nhiều thời gian, cơ quan chức năng Mỹ mới tóm gọn những tên cướp. Một số tên bị giết trong quá trình cảnh sát truy vết.

Vụ cướp tàu hỏa Wilcox đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim câm nổi tiếng năm 1903, mang tên “Vụ cướp tàu hỏa vĩ đại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...