5 vấn đề trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) xin ý kiến thường vụ Quốc hội

GD&TĐ - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất 5 vấn đề xin ý kiến thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Thứ nhất: Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo

Xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Khóa XII. Theo đó, vấn đề lương nhà giáo cũng được xây dựng theo tinh thần nghị quyết này.

TTUB cho rằng, xuất phát từ đặc thù nghề của nhà giáo, Dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Vì vậy, TTUB đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội:

- Phương án 1: Quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp (đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ có 3 bảng lương)

- Phương án 2: Quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.

Thứ hai: Về vấn đề phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm

TTUB cho rằng hiện nay, việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề: số lượng đào tạo nhiều nhưng tuyển dụng ít dẫn tới dư thừa, lãng phí; đội ngũ nhà giáo vừa trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, vừa hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

TTUB cho rằng, cần quy định việc tuyển sinh theo nhu cầu đối với các trường sư phạm và chế độ tuyển dụng đặc thù riêng của ngành giáo dục (khác với quy trình tuyển dụng của Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập.

TTUB xin ý kiến UBTVQH về các nội dung nêu trên

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Thứ ba: Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục

Về chính sách không thu học phí của người học ở các trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cho người học ở các trường dân lập, tư thục từ ngân sách của Nhà nước được áp dụng thêm cho nhóm đối tượng trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở, TTUB đồng ý với Chính phủ rằng, chính sách này đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 là Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo NQ29 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT là Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong điều kiện thực tiễn hiện nay, TTUB đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục bắt buộc và đối với giáo dục phổ cập; đồng thời quy định lộ trình thực hiện chính sách này.

Trước mắt ưu tiên thực hiện tại các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho học sinh thuộc diện giáo dục bắt buộc và tại các vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

TTUB xin ý kiến UBTVQH về việc quy định đối với chính sách mới này.

Thứ tư: Về cơ quan phụ trách giáo dục, đào tạo của các địa phương

Theo cơ chế quản lý nhà nước trong giai đoạn tới, khi thực hiện đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XII thì chính quyền địa phương quản lý tổng hợp; việc sáp nhập các Sở, ngành tại địa phương là tất yếu, trong đó các sở GDĐT, LĐTBXH có thể không là cơ cấu “cứng”, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục với vai trò “là quốc sách hàng đầu”.

TTUB cho rằng, cần quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo ở địa phương trong Luật Giáo dục (sửa đổi). TTUB xin ý kiến UBTVQH về vấn đề này.

Thứ 5: Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục

TTUB cho rằng, trước thực tiễn của hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay, rất cần phải có cái nhìn tổng thể về mạng lưới cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm sự cân đối giữa các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho liên thông, phân luồng sau THCS, THPT.

Hiện nay, theo Luật Quy hoạch, các quy hoạch khá độc lập nhau do các Bộ, ngành và địa phương xây dựng. Đối với việc quy hoạch cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, Luật Quy hoạch đã quy định về các khu chức năng, trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,... nằm trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.