1. Tràn dầu Exxon Valdez
Ngày 24/3/1989, tàu chở dầu có tên Exxon Valdez thuộc sở hữu của Công ty Vận chuyển Exxon, Mỹ đã va chạm với đá ngầm ở khu vực Prince William Sound, bang Alaska (Mỹ) trong quá trình vận chuyển 148 triệu thùng dầu thô. Sự cố đã khiến con tàu bị chìm và gây ra thảm họa tràn dầu.
Các chuyên gia nhận định, việc radar tránh va chạm tàu không được bảo trì tốt lẫn thủy thủ đoàn không được nghỉ ngơi là hai yếu tố chính gây ra vụ tai nạn. Mặc dù xảy ra từ năm 1989, nhưng tới năm 2015, các nhà khoa học tuyên bố, dầu vẫn còn tồn tại dưới đại dương do sự cố này.
Sau khi thảm họa xảy ra, lượng lớn dầu thô tràn ra biển không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nhóm động vật cũng như cuộc sống của người dân ở khu vực lân cận. Đặc biệt, hàng trăm nghìn loài cá, chim biển và sinh vật khác đều chết do nước biển Alaska bị ô nhiễm 18.000 km2. Công ty Exxon đã đứng ra nhận trách nhiệm và khắc phục thiệt hại cũng như phải bồi thường cho các nạn nhân trong vụ việc.
Năm 1990, Chính phủ Mỹ đã ban hành Đạo luật Ô nhiễm dầu (OPA). Theo đó, các loại thiệt hại môi trường từ nguồn lợi tự nhiên, doanh thu công, lợi nhuận và dịch vụ công sẽ được bồi thường. Ngoài ra, chi phí để giám định các thiệt hại trên cũng được xếp là một dạng thiệt hại. Về thời hạn đòi bồi thường, OPA 1990 quy định là 3 năm kể từ ngày phát sinh thiệt hại, hoặc kết thúc hoạt động khắc phục.
2. Nhiễm benzen trong nước tại Lan Châu
Năm 2014, chính quyền thành phố Lan Châu (Trung Quốc) cảnh báo 2,4 triệu người dân không được sử dụng nước máy, sau khi kết quả kiểm tra tại nhà máy nước địa phương cho thấy tỷ lệ chất benzen trong nước cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn an toàn nước sạch. Những người hít phải, ăn vào hoặc tiếp xúc với hóa chất này trong một thời gian dài có thể bị mắc các bệnh gây ung thư và bị phá hủy hệ thống tạo máu.
Nhiều người cho rằng, các vụ nổ xảy ra tại một nhà máy sử dụng benzen trong quy trình sản xuất đã khiến 34 tấn benzen nhiễm vào nước ngầm trong khu vực. Những vụ nổ ban đầu có thể dẫn đến sự tích tụ độc hại này xảy ra từ năm 1987 và gần đây nhất là năm 2002.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc được cho là tổ chức phải chịu trách nhiệm cho các vụ nổ ban đầu. Không ít người dân đã mắc bệnh sau khi tiếp xúc với chất độc hại này trong thời gian dài. Các chuyên gia cũng cho biết, hóa chất này sẽ dẫn tới các vấn đề về môi trường.
Công ty nước Veoilia Lan Châu chịu trách nhiệm cung cấp cho cư dân thành phố này là nơi bị bao vây bởi các nhà máy hóa chất. Các đường ống dẫn nước cũng nằm gần các đường ống dẫn hóa chất. Sau sự cố, công ty đã thông báo, nước máy bị ô nhiễm là do nhiễm bẩn công nghiệp.
Trước bối cảnh này, Chính phủ Trung Quốc đã không ban hành bất kỳ chính sách hay biện pháp nào. Ngoài ra, nguồn nước hầu như cũng không được xử lý mà chỉ bị cắt tạm thời và đã được khôi phục không lâu sau đó.
Nhiễm benzen trong nước tại Lan Châu |
3. Nước nhiễm dung môi công nghiệp tại thành phố Woburn, Massachusetts
Vào những năm 1970, tỷ lệ trẻ em tại thành phố Woburn (Mỹ) mắc bệnh bạch cầu cao đột biến so với các thị trấn khác. Sau đó, một nghiên cứu do Adell K. Heneghan thuộc Trường Đại học Idaho thực hiện đã phát hiện một lượng lớn dung môi công nghiệp trong nguồn nước của thị trấn.
Trichloroethylen (TCE) và perchloroethylen (PCE) đã được tìm thấy trong nước tại khu vực này. Chúng được biết đến là những hóa chất dẫn đến ung thư, đặc biệt là ở trẻ em, sau khi tiếp xúc trong thời gian dài. Không riêng trẻ em, nhiều người dân tại Woburn cũng có các dấu hiệu của ung thư gan, thận, tuyến tiền liệt và đường tiết niệu. Nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng xuất hiện trong thời gian này.
Các hóa chất độc hại này được đổ vào đất và bề mặt nước một cách bất hợp pháp bởi Tập đoàn Hóa chất W.R. Grace & Company và Công ty Thực phẩm Beatrice vào những năm 1970. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm trở nên rõ ràng vào năm 1979 - 1980. Đến năm 1982, một vụ kiện đã được đệ trình nhằm yêu cầu các công ty này chịu trách nhiệm.
Mặc dù không gây ra tác động lâu dài đến môi trường, nhưng thảm họa ô nhiễm này lại khiến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ tại Worburn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau vụ việc, Công ty Thực phẩm Beatrice đã được tha bổng, còn W.R. Grace & Company chỉ phải nộp một khoản tiền phạt nhỏ.
Nước nhiễm dung môi thành phố Woburn, Massachusetts |
4. Ô nhiễm sông Elk, Tây Virginia
Năm 2014, chính quyền tiểu bang Tây Virginia (Mỹ) thông báo, gần 20.000 lít methanol 4-methylcyclohexane dùng trong ngành công nghiệp than đã ngấm vào đất và tràn đến sông Elk gần đó.
4-methylcyclohexanemethanol hay MCHM là một hóa chất chủ yếu được sử dụng để rửa và làm sạch than khỏi tạp chất, có thể gây ung thư cũng như đau dạ dày và phát ban da. Tại thời điểm đó, công ty gây ra thảm họa này - Freedom Industries đã không được chính quyền kiểm tra nghiêm ngặt, khiến hóa chất bị rò rỉ trong một thời gian mà không được báo cáo, cho đến khi người dân khu vực gặp vấn đề về sức khỏe.
Có khoảng 2.100 đơn khiếu nại của các nạn nhân được ghi nhận. Họ thường phàn nàn về việc bị dị ứng da, đau bụng cùng với một số triệu chứng nhiễm độc nước ở đường tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy và chuột rút.
Sự cố xảy ra lần đầu vào ngày 9/1/2014 nhưng chỉ 4 ngày sau, nguồn nước đã nhanh chóng được xử lý đủ để người dân tại tiểu bang sử dụng. Ngày 12/6 cùng năm, vấn đề tương tự lại tiếp tục xảy ra tại khu vực này. Mặc dù, Freedom Industries là tổ chức phải chịu trách nhiệm cho thảm họa ô nhiễm nước, nhưng Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng tham gia vào công tác làm sạch nước.
Không lâu sau đó, Freedom Industries phải đối mặt với việc bị kiện và đã nộp đơn xin phá sản. Sau vụ việc, chính quyền bang đã có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty trong ngành công nghiệp tại khu vực.
Ô nhiễm sông Elk, Tây Virginia |
5. Tràn dầu Deepwater Horizon
Ngày 20/4/2010, giàn khoan Deepwater Horizon nằm cách bờ biển Louisiana (Mỹ) khoảng 64km về phía Tây Nam đã bất ngờ phát nổ. Vụ nổ khiến giàn khoan của hãng dầu khí nổi tiếng BP (Anh) nhanh chóng bị chìm và làm khoảng 4,9 triệu thùng dầu tràn ra khu vực vịnh Mexico, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống, ngành ngư nghiệp và hệ sinh thái biển.
Hãng dầu khí BP cũng như Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp khắc phục. BP đã điều động các robot tới hiện trường để cưa ống dẫn dầu bị vỡ từ giếng khoan bị rò rỉ, cũng như tiến hành đưa cánh tay bằng máy điều khiển từ xa bơm bùn vào giếng dầu bị rò rỉ dưới đáy vịnh Mexico nhằm ngăn dầu thoát ra.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những hành động của BP chẳng khác nào “muối bỏ bể”, bởi dầu đã xuống tới độ sâu vài chục mét so với bề mặt nước ở vịnh Mexico.
Thảm họa tràn dầu lớn nhất lịch sử này đã gây ra những ảnh hưởng khủng khiếp đến môi trường. Đặc biệt, số lượng các sinh vật biển tại khu vực này đã giảm đáng kể. Các nhóm bảo vệ môi trường cũng không thể chắc chắn rằng, liệu dầu có được loại bỏ hoàn toàn khỏi vịnh Mexico hay không.
BP đã bị đình chỉ các hoạt động và phải nộp phạt số tiền khổng lồ lên tới 20,8 tỷ USD nhằm bồi thường thiệt hại sau sự cố. Số tiền này sẽ được dùng để phục vụ cho công tác khôi phục hệ sinh thái, bồi thường thiệt hại kinh tế cho 5 bang của Mỹ ở vùng vịnh Mexico bị ảnh hưởng là: Texas, Louisianna, Mississippi, Alabama và Florida.
Tràn dầu Deepwater Horizon |