Cây cóc mẳn còn có những tên khác, như "cỏ the", "cúc mẳn", "cúc ma", "cây thuốc mộng", "cây trăm chân", "cóc ngồi" (miền Nam); "thạch hồ tuy", "địa hồ tiêu", "cầu tử thảo", "nga bất thực thảo"...
Cóc mẳn là một loại cỏ nhỏ, thân mềm, mọc bò lan, cành lòa xòa mọc sát mặt đất.
Theo Đông y, cóc mẳn có vị cay, tính ấm, vào kinh thủ thái âm. Có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi.
Dưới đây là một số tác dụng chữa bệnh của cây cóc mẳn.
Chữa viêm mũi:
Bài 1: Dùng cây cóc mẳn tươi, rửa sạch, hong khô, giã nát vắt lấy nước cốt, nhỏ vào mũi ngày 1-2 lần, mỗi lần 2-3 giọt, khi nhỏ nằm ngửa 20-30 phút; liên tục 1 tuần (1 liệu trình); nói chung sau 1-3 liệu trình là có kết quả.
Bài 2: Vò nát cây cóc mẳn tươi, vê tròn rồi nhét vào lỗ mũi. Tác dụng thông mũi, tiêu viêm rất tốt.
Lưu ý: Những đơn thuốc trên không chỉ sử dụng để chữa viêm mũi dị ứng. Đối với các loại viêm mũi khác, như viêm mũi cấp, viêm mũi đơn thuần mạn tính, viêm xoang mũi... cũng có tác dụng khá tốt.
Chữa cảm cúm
Bài 1: Dùng cây cóc mẳn tươi 100g, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút rượu trắng, chia 2 lần uống trong ngày; uống ấm (trước khi uống hâm lại cho ấm). Có tác dụng khu phong tán hàn, chống virut. Dùng chữa cúm thể phong hàn (cảm lạnh, với các triệu chứng: phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, mũi chảy nước, đau đầu, đau mình mẩy,...)
Bài 2: Dùng cóc mẳn phơi khô, tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g (trẻ nhỏ giảm nửa liều), chiêu bằng nước ấm. Có tác dụng phát tán phong hàn, kháng virut. Dùng chữa bệnh cúm mới phát, với những biểu hiện thuộc thể phong hàn.
Một số đơn thuốc khác có dùng cây cóc mẳn:
Bài 1: Chữa ho gió (do ngoại cảm): Cóc mẳn (khô 15g hoặc 30g tươi), nước 500ml, sắc còn 100ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 2: Chữa trĩ lở loét sưng đau: Dùng cóc mẳn tươi, khoảng một nắm, giã đắp, băng cố định.
Bài 3: Chữa viêm da thần kinh: Dùng cóc mẳn xát vào chỗ da bị bệnh, có tác dụng chống ngứa, tiêu viêm.