Đó là kinh nghiệm của cô Lê Thị Hương Lài (Trường Tiểu học Đồng Phú - Đồng Hới, Quảng Bình).
Nội dung 1: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp
Để làm tốt nội dung này, theo cô Lài, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với Hội cha mẹ học sinh, tham khảo ý kiến đóng góp của giáo viên dạy Mĩ thuật để trang trí trong lớp học, sau đó phân công cụ thể từng việc rõ ràng cho từng thành viên trong lớp để các em tự chăm sóc, giữ gìn và có sự giám sát lẫn nhau.
Nên tận dụng không gian lớp học trang trí tranh, đồ dùng dạy học, góc thư viện của các lớp, gồm các bảng như: Hoa điểm 10, báo tường, nét chữ nết người, tranh ảnh minh họa các trò chơi dân gian… Có các chậu cây xanh được đặt dọc hành lang lớp học.
Nội dung 2: Dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm và lứa tuổi học sinh.
Với kinh nghiệm của mình, cô Lài cho biết: Giáo viên chủ nhiệm phải luôn gương mẫu trong mọi mặt. Luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn, như các em ở làng SOS. Thực hiện dạy học theo đối tượng học sinh.
Đồng thời cần quan tâm học sinh qua giáo viên dạy bộ môn, đặc biệt đề xuất giáo viên bộ môn giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong các tiết dạy, giáo viên có thể khuyến khích, động viên các em luôn phấn đấu vươn lên trong các mặt và rèn cho các em tính tự học, tự nghiên cứu, khai thác các thông tin trên mạng.
Ngoài ra, có thể tổ chức cho các em tham gia các cuộc thi như: An toàn giao thông, giải Toán qua mạng, giao lưu Olympic tiếng Anh.
Nội dung 3:Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh
Để thực hiện tốt nội dung này, cô Lài cho hay: giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên bám sát kế hoạch của Đội, của nhà trường để triển khai cụ thể và kịp thời nhằm tổ chức cho các em tham gia các cuộc thi.
Giáo dục các em thường xuyên nói lời hay, làm việc tốt. Xây dựng các góc học tập vui chơi trong lớp học do các em tự sưu tầm và trưng bày như: Làm báo tường, góc thư viện của lớp, trưng bày các sản phẩm của các em phục vụ cho việc học tập.
Tổ chức và động viên các em tham gia các câu lạc bộ như: Võ thuật, múa, cờ vua, cầu lông… và tham gia các cuộc thi: Viết, vẽ về môi trường, an toàn giao thông, kể chuyện có nội dung và chủ điểm rõ ràng.
Tổ chức dạy học tìm hiểu về Luật an toàn giao thông, tai nạn đuối nước được đưa vào dạy trong các tiết sinh hoạt tập thể.
Nội dung 4:Tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi, lành mạnh
“Giáo viên chủ nhiệm cần sưu tầm cùng các em tên các trò chơi dân gian, hình ảnh minh họa, tìm hiểu cách chơi được treo ở trong lớp. Vào các giờ ra chơi, giáo viên có thể cho các em tự tổ chức chơi nhằm tạo không khí vui tươi, thân thiện và mang tính tập thể” – cô Lài trao đổi.
Nội dung 5:Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương
Ở nội dung này, theo cô Lài, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với cô giáo Tổng phụ trách, các đoàn thể trong nhà trường thông qua các tiết dạy tìm hiểu về Lịch sử, Địa lý địa phương để giúp các em hiểu thêm về ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương thông qua các hoạt động như: Hành trình theo chân Bác, hành trình về nguồn… hoặc mời các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà sử học về nói chuyện trong các giờ ngoại khóa v.v…