5 nhóm giải pháp lớn bình ổn thị trường đến cuối năm

5 nhóm giải pháp lớn bình ổn thị trường đến cuối năm
Chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường vào cuối năm đặc biệt quan trọng
Chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường vào cuối năm đặc biệt quan trọng

Theo báo cáo của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, trong 9 tháng đầu năm nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào và nhập khẩu tăng, nhưng nhờ thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân nên nền kinh tế tiếp tục ổn định, có sự chuyển biến tích cực.

Trong đó, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm và sản xuất hàng hóa được phục hồi mạnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đến hết quý III đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm (13,8% so với 12%). Tính đến tháng 9/2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 1.146.161 tỷ đồng, tăng 25,4% so cùng kỳ năm 2009.


Theo phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết, sự ổn định thị trường địa phương chính là nhờ cung ứng đủ hàng hóa với giá thấp hơn thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa và khả năng tiếp cận của người dân đối với các hàng hóa thiết yếu.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, cùng với việc tăng cường hệ thống hạ tầng thương mại, xác định được nhu cầu hàng hóa, lựa chọn được mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng những nhà máy tập trung sản xuất hàng nông sản, thực phẩm, chủ động và kiểm soát được lượng hàng bán ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, cung cầu xi măng, thép, nói chung là ổn định, hướng tới xuất khẩu, lượng dự trữ tồn kho đáp ứng từ 15 ngày đến 1 tháng...

Hội nghị đã thống nhất đề ra 5 nhóm giải pháp lớn để bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm: Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Thường xuyên rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời ban hành, điều chỉnh các cơ chế, chính sách điều chỉnh, ổn định khi có biến động giá cả. Tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp với các đơn vị phân phối để tiêu thụ, đáp ứng phân phối hàng hóa đều khắp các địa bàn. Tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và VSATTP. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, điều hành cũng như thông tin chính xác về diễn biến thị trường, tránh hiện tượng thông tin thất thiệt để trục lợi.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, với 5 nhóm giải pháp lớn được nêu ra tại Hội nghị, Bộ Công thương tập trung đảm bảo cung cầu điện, theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu ở tầm vĩ mô, dự báo sớm thị trường, thông tin kịp thời, hỗ trợ việc triển khai hệ thống phân phối bán lẻ cho các địa phương. Về dài hạn, Bộ Công thương cần xây dựng quy chế thực hiện việc bình ổn giá cả thị trường. Bộ NN&PTNT quản lý vấn đề lương thực, thực phẩm cuối năm, có giải pháp khôi phục đàn gia súc, sản xuất nông nghiệp trong mùa bão lũ, phòng chống dịch bệnh, chú ý mặt hàng gạo, thịt lợn và muối. Trong mùa xây dựng tới, dù nguồn cung bảo đảm nhưng Bộ Xây dựng cần lưu ý chỉ đạo xử lý vấn đề sốt giá cục bộ. Các địa phương phải thường xuyên đánh giá lại cung cầu, có báo cáo về từng mặt hàng thiết yếu, trên cơ sở đó xác định mặt hàng cần bình ổn để đề xuất cơ chế, giải pháp.

Trung Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.