Dư luận đã đánh giá cao ngành giáo dục Hà Nội trong việc đổi mới hình thức tuyển sinh.
Sau một năm thử nghiệm, đây là năm thứ hai TP Hà Nội tổ chức tuyển sinh các lớp đầu cấp (lớp mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6) bằng hình thức trực tuyến. Sau hai ngày đầu đăng ký đã có khoảng 100.000 lượt phụ huynh đăng ký thành công. Hầu hết phụ huynh đều tỏ ra hài lòng với hình thức đăng ký mới này. “Những năm trước, phụ huynh phải xếp hàng chờ đợi, có nơi phải chầu chực từ nửa đêm, chen lấn rất cực khổ, nay thì việc đăng ký diễn ra nhẹ nhàng”- vị phụ huynh này nói.
Để rút ngắn thời gian đăng ký tuyển sinh xuống năm phút ngành giáo dục Hà Nội phải mất gần năm năm chuẩn bị. Từ ý tưởng ban đầu đến thiết kế phần mềm tuyển sinh, tổ chức điều tra tổng số học sinh từ mầm non đến THCS trên địa bàn, thiết lập cơ sở dữ liệu học sinh, phân loại theo độ tuổi, địa bàn cư trú… đến chạy thử chương trình, chỉnh sửa, đó là chuỗi công việc không hề đơn giản; tốn kém công sức, thời gian; đòi hỏi phải có một quyết tâm cao.
Bởi vì thay thế một phương thức mới không chỉ để giảm phiền hà cho phụ huynh mà còn minh bạch hóa công tác tuyển sinh, hạn chế tiêu cực và góp phần chấm dứt tệ nạn chạy trường trái tuyến. Và cao hơn hết là xây dựng lòng tin của phụ huynh đối với ngành giáo dục thủ đô.
Truyền thông đưa tin, đến nay ngoài Hà Nội còn có Đà Nẵng cũng áp dụng đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Được biết, hiện một số địa phương khác cũng đã và đang triển khai phương thức tuyển sinh này. Đây là xu thế tất yếu của thời kỳ cách mạng kỹ thuật số, nếu không tận dụng thì chỉ tụt hậu.
Nhưng thật ra, tuyển sinh trực tuyến của hệ thống các trường công lập đã chậm chân so với hệ thống các trường ngoài công lập. Từ nhiều năm trước đã có nhiều trường ngoài công lập ở các địa phương cũng chủ động tổ chức đăng ký trực tuyến tuyển sinh vào trường mình; trong đó phải kể đến các trường quốc tế đầu tư ở Việt Nam.
Điểm khác biệt với hệ thống trường công lập là cơ sở dữ liệu học sinh của các trường này không có vì họ tuyển sinh tự do, không theo tuyến. Nhờ vậy, một phụ huynh ở Tây Ninh cũng có thể đăng ký nhập học cho con vào một trường ngoài công lập ở TPHCM. Mục tiêu lớn nhất của các trường này là mong muốn mang lại sự dễ dàng, thuận tiện cho phụ huynh khi đăng ký nhập học cho con em mình và công tác tuyển sinh của trường cũng chủ động hơn.
Tuy nhiên, qua truyền thông, được biết có một số địa phương chưa mặn với hình thức tuyển sinh đầu cấp này. Phần lớn đây là các địa phương còn cho phép nhiều trường trên địa bàn duy trì tuyển sinh trái tuyến ở khu vực công lập hoặc phải thi đầu vào (tuy Bộ GD&ĐT đã có văn bản cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 1, lớp 6 dưới mọi hình thức nhưng vẫn còn trường duy trì dưới tên gọi “khảo sát”).
Các địa phương này giải thích họ làm vậy là để tôn trọng quyền lựa chọn trường cho con em của phụ huynh. Lý lẽ nghe hợp lý, nhưng qua thực tế tuyển sinh ở các địa phương này cho thấy phụ huynh tốn nhiều thời gian hơn, vất vả hơn, thậm chí căng thẳng khi tìm trường cho con. Phía nhà trường, công tác tuyển sinh đôi khi rơi vào hỗn loạn nếu phụ huynh dồn đến đông hoặc ngược lại rơi vào cảnh đìu hiu khi phụ huynh ngoảnh mặt.
Một thực tế khác cần suy nghĩ là với cách tuyển sinh này, các trường có cơ sở vật chất, phương tiện tốt thường tập trung khá nhiều con em của các gia đình khá giả, có điều kiện; đồng thời tệ nạn chạy trường ngày một gia tăng và không loại trừ đã xuất hiện lợi ích nhóm trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
Sau Hà Nội, Đà Nẵng, phụ huynh mong sớm đón nhận cách làm này ở các địa phương khác. Và không chỉ dừng lại lớp 6, hy vọng cách tuyển sinh này sẽ tiếp tục mở rộng lên lớp 10 cũng như ở các khóa tuyển sinh của hệ thống trường nghề.