5 lưu ý khi đi lễ chùa đầu Xuân để phúc lộc như ý

GD&TĐ - Người Việt Nam ta có tục lệ đi lễ chùa để thắp hương bày tỏ những thỉnh cầu cho cuộc sống, sự nghiệp và gia đình, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân năm mới.

5 lưu ý khi đi lễ chùa đầu Xuân để phúc lộc như ý
Theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương, phong tục lễ chùa đầu năm sẽ có đôi chút khác biệt so với đi chùa vào ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng. Cùng tìm hiểu 5 lưu ý cần ghi nhớ khi đi chùa đầu năm giúp bạn gặp vạn điều may, phúc lộc như ý và giữ gìn trọn vẹn ý nghĩa, nét đẹp văn hóa của phong tục lễ chùa.

Nên đi chùa vào ngày cầu phúc

Ngày cầu phúc là ngày chúng ta có thể đi lễ chùa để mong cầu những điều tốt lành. Trong những ngày này, khả năng linh ứng cho các mong cầu đó là rất lớn.

Theo đó, các bạn có thể đi chùa cầu may vào 1 trong số các ngày như sau: mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 8, mùng 10 và ngày Rằm tháng Giêng.

Mong cầu bình an, tránh cầu tài lộc

Vì là ngày cầu phúc nên trong những ngày này, các bạn không nên thỉnh cầu tài lộc khi đi lễ chùa. Hơn nữa theo quan điểm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ bình an chứ không thể phù hộ về tài lộc, công danh như ý muốn.

Các bạn có thể cầu xin may mắn trong chuyện tình cảm hay công việc thuận lợi nhất. Khi làm lễ, cầu xin cần tránh Tam độc (tức Tham – Sân – Si), vì tâm không tịnh thì đi chùa cũng thành vô nghĩa.

Lễ vật khi đi lễ chùa

Việc sửa soạn, sắm lễ vật để đi lễ chùa đều có những quy định mà người hành lễ phải tuân thủ đó là: Các lễ chay như xôi, chè, oản, hoa quả,… không mang những lễ vật mặn như thịt, giò, chả,…

Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dân đặt lễ mặn ở khu vực Phật Chính Điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.

Ngoài ra, các bạn cũng không nên sắm sửa tiền vàng mã khi đi lễ tại chùa. Nếu có thì chỉ nên đặt một ít ở bàn thờ Thánh Mẫu hoặc Đức Ông. Nếu các bạn muốn đặt tiền thật, hãy bỏ vào hòm công đức ở chùa.

Nguyên tắc ra, vào chùa

Theo quan niệm xa xưa, khi vào chùa nên vào ở bên tay phải, tức cửa Không quan. Cửa này là tượng trưng cho việc mở ra con đường “nhất chánh đạo” nghĩa là giải thoát và giác ngộ.

Do đó cửa này thường dành cho các phật tử đi vào lễ chùa. Khi ra khỏi chùa nên đi qua cửa bên tay trái là cửa Giả quan, mang ý nghĩa là sự vật đều biến hóa, vô thường, thể hiện quan điểm có sinh có diệt.

Không nên vào bằng cửa chính bởi theo truyền thuyết đây là nơi ra vào của đức Phật, Ngọc đế, Quân vương, vì vậy cửa này chỉ dành cho các bậc cao tăng để tỏ lòng kính trọng. Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa.

Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, công đức mang lại vô lượng cho cả người vãn cảnh và nhà chùa. Chùa chiền là nơi linh thiêng, vì vậy không  được coi việc đi lễ chùa là trò giải trí tiêu khiển, tham quan, dạo chơi thông thường.

Trang phục kín đáo, trang trọng

Đền, chùa là chốn linh thiêng, vì vậy khi đi lễ chùa, tốt nhất các bạn nên tránh các trang phục hở hang, gợi cảm, sặc sỡ, không phù hợp. Thay vào đó, hãy chọn cho mình một bộ trang phục gọn gàng thanh lịch, có sắc màu nhã nhặn, phù hợp với sự trang nghiêm nơi cửa chùa.

Một lưu ý nữa cũng hết sức quan trọng đó là khi đi lễ chùa trong ngày này các bạn cần giữ cho tâm mình thật thanh tịnh khi khấn vái,  thỉnh cầu cũng cần thể hiện tấm lòng chân thành. Như vậy là đã đắc được bình an trong những ngày đầu năm.

* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ