Ly hôn là việc gây sang chấn với bất cứ gia đình nào, nhưng việc níu giữ nhau khi mối quan hệ không còn cảm xúc tích cực cũng đem lại bất hạnh.
E.Mavis Heatherington, giáo sư danh dự tại khoa Tâm lý, UVA chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ly hôn đã nói rằng: “Nếu trẻ nhỏ sống với bố mẹ - những người khinh thường lẫn nhau, kể cả khi không cãi vã, mắng chửi mà chỉ giễu cợt và làm bẽ mặt nhau một cách tinh vi, tấn công vào sự tự tôn của nhau, cũng đều là những điều rất tệ”.
Heatherington cho rằng một trong những điều hoang đường dai dẳng nhất về ly hôn là “trẻ nhỏ luôn bị thua thiệt”. Trong suốt 25 năm nghiên cứu của mình, bà thấy rằng 75-80% trẻ nhỏ trong những gia đình tan vỡ vì ly hôn “có thể đương đầu khá tốt và sinh hoạt bình thường”.
Dưới đây là 5 lí do tại sao trẻ sống trong gia đình bố mẹ không hạnh phúc lại đau khổ hơn ly hôn:
Trẻ sẽ phản ánh cuộc sống hôn nhân tiêu cực của bố mẹ chúng
Trẻ có xu hướng phản ánh các mối quan hệ quanh chúng. Khi chúng thấy bố mẹ cãi nhau không ngừng, chúng cũng sẽ làm vậy. Sau này, những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ trở nên nghi ngờ về khả năng phát triển mối quan hệ lành mạnh và không tin tưởng cuộc sống hôn nhân.
Ghen tuông, dễ nổi giận, không nói chuyện với người bạn đời là những hành vi có xu hướng dẫn đến những cuộc hôn nhân có vấn đề trong cuộc sống tương lai của những đứa trẻ có bố mẹ không hạnh phúc.
![]() |
Ly hôn văn minh hơn là cố níu giữ mối quan hệ không còn cảm xúc tích cực. |
Trẻ trở nên dễ bị căng thẳng hơn
Khi trẻ không cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình, thường xuyên chứng kiến cảnh cãi vã của bố mẹ, chúng có thể dễ dàng bị căng thẳng. Đặc biệt là khi tranh luận về trẻ, chúng sẽ cảm thấy tất cả những tranh cãi này là do lỗi của mình.
Sự lo lắng của chúng có thể dẫn đến những cơn ác mộng và cảm giác sợ hãi. Sau này những đứa trẻ lớn lên, chúng có thể khó chấp nhận mối quan hệ giữa hai người khi xảy ra những mâu thuẫn nhỏ. Chúng có thể thể hiện sự không hài lòng hay cáu kỉnh, bực dọc cả khi đối mặt với những khó khăn không quá nghiêm trọng.
Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ
Trẻ sống trong môi trường độc hại không chỉ có nguy cơ có những mối quan hệ thô bạo ở tuổi trưởng thành, thậm chí còn ảnh hưởng đến việc một đứa trẻ cảm nhận tình cảm với người khác.
Xung đột ở nhà dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ cân bằng với họ hàng, anh chị em, bạn bè và các mối quan hệ sẽ trở nên xa cách.
Trong những gia đình không hạnh phúc, trẻ không có khả năng tự kiềm chế cảm xúc của bản thân. Vì vậy, khi trưởng thành chúng có thể cảm thấy khó khăn khi nói về những điều không thích ở đối tác.
Trẻ sẽ cố gắng làm tê liệt cảm xúc và hình thành những thói quen xấu
Trẻ thường muốn bắt đầu làm mọi thứ để ngăn chặn những cảm xúc tồi tệ. Vì vậy, để đối phó với một tình huống căng thẳng trong gia đình, chúng có thể hình thành những thói quen xấu.
Những thói quen xấu này có thể là ăn quá nhiều, chơi điện tử, đi chơi với bạn xấu, đánh nhau với bạn bè hay tự làm tổn hại bản thân. Trẻ cũng có thể thể hiện cảm giác khó chịu một cách gián tiếp. Chúng có thể mất hứng thú với trường học và trở nên tức giận khi gặp những chuyện không theo ý mình.
Trẻ có thể trở nên sợ cảm xúc của chính mình
Sự chỉ trích và tức giận không có nghĩa là mọi người ngừng tôn trọng lẫn nhau, họ vẫn có thể là một phần của một mối quan hệ bình thường. Nhưng việc bố mẹ tránh né, gây hấn bằng lời nói hay đi ra ngoài có thể khiến trẻ cảm thấy rằng việc không thể hiện cảm xúc của chính mình là một cách tránh xung đột.
Trẻ có thể bắt đầu nghĩ rằng, sự tức giận và chỉ trích là một nguồn nguy hiểm cao độ. Và tất nhiên những đứa trẻ sẽ bắt chước hành vi của bố mẹ chúng trong các mối quan hệ của chính mình khi trưởng thành.