Việc chuẩn bị đi học luôn mang lại cho trẻ rất nhiều cảm xúc, từ phấn khích, tò mò cho đến lo lắng. Thậm chí, không chỉ ở trẻ, những cảm xúc này cũng xảy ra với các phụ huynh. Vì vậy, chuyên gia đã đưa ra 5 lời khuyên để giúp phụ huynh hỗ trợ con mình tốt nhất. Đồng thời, đảm bảo sự phát triển của trẻ trong quá trình chuyển đổi này.
Khuyến khích bày tỏ cảm xúc
Ngay cả khi trẻ thể hiện sự thoải mái với ý tưởng bắt đầu đi học, điều cực kỳ quan trọng là tạo ra một chút thời gian và không gian để xoa dịu cảm xúc của bé về vấn đề này. Đôi khi, cha mẹ có thể để trẻ nói về cảm xúc của mình một cách tự nhiên. Bởi, điều đó sẽ thật tuyệt vời. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ không tự chia sẻ, cha mẹ có thể “nhắc nhở” bé về điều đó thông qua một số phương pháp.
Trước hết, cha mẹ và trẻ có thể tham gia trò chơi đóng vai. Đôi lúc, trẻ em cảm thấy dễ dàng hơn khi nói về cảm giác của mình thông qua trò chơi đóng vai. Phụ huynh có thể sử dụng các hình Lego hoặc bất kỳ nhân vật nào khác để trợ giúp. Hãy dựng cảnh “ngày đầu tiên đi học” và phân vai cho các nhân vật.
Ví dụ, các vai cần có là: Một phụ huynh hoặc người chăm sóc, giáo viên và đứa trẻ. Sau đó, hãy hỏi trẻ xem chúng nghĩ mỗi “nhân vật” sẽ cảm thấy thế nào khi đến trường vào ngày đầu tiên đó.
Cha mẹ cũng cần thiết lập một không gian và thời gian dành riêng cho trẻ. Từ đó, đảm bảo rằng, khi hỏi con mình về cảm giác của chúng thì không có điều gì gây xao nhãng. Phụ huynh có thể bận rộn, nhưng nếu dành chút thời gian cho cuộc trò chuyện này, trẻ có thể sẽ cởi mở hơn nhiều so với việc cả hai đều bị phân tâm bởi những thứ khác.
Trong trường hợp nếu trẻ không muốn chia sẻ cảm xúc, cha mẹ hãy thử cùng con đi dạo hoặc đạp xe và trò chuyện khi chúng đang di chuyển. Hành động này có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu.
Phụ huynh hãy nhớ rằng, mục đích ở đây là nói về những cảm xúc mà trẻ có, thay vì gieo rắc lo lắng hay sợ hãi. Vì vậy, nếu trẻ có vẻ hoàn toàn ổn khi bắt đầu đi học, cha mẹ không nên quá lo lắng.
Thích nghi với thói quen mới
Các thói quen là một phần quan trọng của sự thay đổi xảy ra khi trẻ bắt đầu đi học. Ngay cả khi trẻ đã ở trong một môi trường có quy tắc như nhà trẻ hoặc trường mầm non, thói quen của bé sẽ vẫn thay đổi. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho trẻ bằng cách giúp con hiểu và thực hành lịch trình mới. Cha mẹ hãy bắt đầu bằng cách giải thích lịch trình của một ngày, như: Bữa trưa sẽ diễn ra lúc mấy giờ? Ai sẽ đón và đưa con đến trường?...
Làm quen với các yếu tố mới trong ngày sẽ thực sự có lợi cho trẻ về lâu dài trước khi bắt đầu đi học. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi qua trường, dù là đi bộ hay ngồi trên xe. Việc thực hiện vài lần trước khi bé đi học sẽ khiến trẻ biết địa điểm mình sắp đến. Đồng thời, hãy cho trẻ tập mặc đồng phục để bé biết buổi sáng sẽ như thế nào khi đi học.
Ngoài ra, hãy cho trẻ xem trang web của trường để làm quen với hình ảnh về giáo viên. Trẻ cũng có thể xem một số hình ảnh về hoạt động vui chơi mà bé sẽ được tham gia khi tới trường.
Hãy giải thích câu hỏi của trẻ về việc con sẽ mang hộp ăn trưa hay dùng bữa ở trường? Nếu cần mang bữa trưa của riêng mình, hãy để trẻ tham gia vào việc chọn những món con thích. Bởi, phụ huynh có thể biến nó thành một buổi dã ngoại vui vẻ.
Nếu trẻ cần dùng bữa trưa ở trường, cha mẹ thường có thể tìm thấy thực đơn trên trang web. Sau đó, hãy thử làm một trong những bữa ăn trưa ở nhà tương tự thực đơn để trẻ làm quen.
Mặc dù, các hạn chế về Covid-19 đã được dỡ bỏ, nhưng điều quan trọng là cha mẹ và trẻ phải biết những biện pháp nào sẽ được thực hiện tại trường nếu số ca nhiễm tăng đột ngột. Do đó, cha mẹ có thể đặt ra một số câu hỏi cho nhà trường, như: Tất cả nhân viên sẽ đeo thiết bị bảo hộ cá nhân? Khi số ca mắc tăng cao, điều gì sẽ xảy ra vào giờ ra chơi? Trẻ em có cần phải luôn giữ khoảng cách xã hội không? Trẻ sẽ được yêu cầu rửa tay bao lâu một lần?
Khi điều đó xảy ra, hãy giải thích với trẻ rằng, mọi thứ sẽ khác với bình thường. Tuy nhiên, tất cả biện pháp này là để giữ cho trẻ được an toàn khi ở trường.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đã tuân theo một thói quen hơi bị gián đoạn và khác biệt trong vài năm qua. Vì vậy, việc thiết lập thêm một số quy tắc ở nhà trước khi trẻ bắt đầu đi học có thể thực sự hữu ích. Cho dù đó là giờ đi ngủ, giờ ăn trưa cố định hay thậm chí có thể đưa ra thời gian cho các hoạt động. Cha mẹ và trẻ hãy cùng điều chỉnh thói quen sinh hoạt trước khi bé đi học.
Trẻ cần có tâm lý thoải mái trước khi bắt đầu đi học. Ảnh minh họa. |
Hào hứng với trường học
Cùng với việc chuẩn bị cho trẻ đi học, điều quan trọng là khiến chúng hào hứng. Phụ huynh hãy giúp trẻ cảm thấy tích cực và hào hứng khi bắt đầu đi học. Điều đó sẽ giúp xóa tan mọi cảm giác lo lắng mà trẻ có thể có.
Phụ huynh có thể thực hiện một số điều để giúp trẻ có trải nghiệm tích cực khi bắt đầu đi học. Cha mẹ cần dành thời gian nghiên cứu chương trình giảng dạy của trẻ ở trường tiểu học. Như vậy, cha mẹ có thể nói chuyện với bé về những điều trẻ sẽ học. Từ đó, hãy chọn ra những chủ đề mà cha mẹ biết trẻ sẽ thực sự thích thú.
Ngoài ra, hãy kết hợp học và chơi. Đây là một cách tuyệt vời để thể hiện những thứ như bài học và thời gian chơi. Chắc chắn, trẻ sẽ thích cách làm này. Đồng thời, cha mẹ có thể nói chuyện với trẻ về những kỷ niệm yêu thích mình từng trải qua ở trường. Thậm chí, cha mẹ có thể cho trẻ xem một số hình ảnh cũ về ngày đầu tiên mình đi học.
Cha mẹ có thể thu hút trẻ tham gia vào những việc như mua đồng phục và lên kế hoạch cho bữa trưa. Hãy dành một ngày cho việc này và đưa trẻ đến công viên yêu thích hoặc chiêu đãi bé một món gì sau đó. Đừng quên sử dụng trang web của trường như một nguồn tài nguyên. Nhờ đó, cho trẻ thấy những gì bé sẽ làm ở trường.
Giải thích tại sao
Không ít cha mẹ thường chỉ tập trung vào điều sẽ xảy ra khi trẻ bắt đầu đi học, mà quên giải thích tại sao. Phụ huynh hãy giúp trẻ hiểu chính xác tại sao mọi thứ diễn ra theo cách chúng làm ở trường và lý do con phải tuân theo các quy tắc nhất định. Bởi, đó là một phần quan trọng trong việc giúp trẻ điều chỉnh và thích nghi.
Giải thích cho trẻ lý do tại sao chúng cần đến trường ngay từ đầu là một bước vô cùng quan trọng. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng ngôn ngữ cha mẹ sử dụng xung quanh vấn đề này sẽ có tác động lớn đến mức độ trẻ chấp nhận sự thay đổi.
Tập trung vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống học đường, chẳng hạn như trẻ sẽ kết bạn, học hỏi nhiều điều mới mẻ... Trong khi đó, không nên nói với trẻ rằng, con cần phải đến trường để mẹ có thể làm việc, hoặc mọi người đều đi học.
Cha mẹ có thể thu hút trẻ tham gia vào những việc như mua đồng phục và lên kế hoạch cho bữa trưa. Ảnh minh họa. |
Đối xử tốt với bản thân
Tất cả chúng ta đều đã trải qua một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc với tư cách là cha mẹ và người chăm sóc trong những năm đại dịch. Cho dù đó là sự bấp bênh trong công việc, những lo lắng về sức khỏe hay chỉ là cảm giác sợ hãi mà đại dịch đã mang lại.
Lần đầu tiên đưa con đến trường sẽ mang đến cho tất cả chúng ta nhiều cảm xúc khác nhau. Dù đang có cảm xúc gì trong thời gian này, điều quan trọng là cha mẹ cũng phải chia sẻ về điều đó với bạn bè hoặc thành viên gia đình.
Điều cần nhớ là, những gì phụ huynh đang cảm thấy là hoàn toàn bình thường. Không có cảm giác “đúng” hay “sai” khi nói đến việc trẻ bắt đầu đi học. Thừa nhận điều đó và dành thời gian chăm sóc bản thân là vô cùng quan trọng. Chăm sóc bản thân cũng đồng nghĩa với việc chú trọng tới sức khỏe. Chăm sóc bản thân và dành thời gian cho chính mình không phải là ích kỷ. Thực tế, điều quan trọng là giúp mình tiếp tục trở thành cha mẹ hoặc người chăm sóc tuyệt vời.
Trẻ em thu thập được rất nhiều manh mối nhỏ về việc cha mẹ hoặc người chăm sóc đang cảm thấy như thế nào. Khi đó, trẻ sẽ sử dụng thông tin này để tìm hiểu xem chúng nên cảm thấy như thế nào. Nếu chúng ta tỏ ra lo lắng, trẻ sẽ nhận ra điều này và bắt đầu suy nghĩ cũng như sợ hãi khi sắp phải tới trường.