5 cầu thủ bị bắt vì ma túy: 'Mất bò mới lo làm chuồng'

GD&TĐ - Cầu thủ sử dụng ma túy không phải đến năm 2024 mới xuất hiện ở giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Các cầu thủ bị bắt giữ (từ trái qua): Dương Quang Tuấn, Đinh Thanh Trung, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Trung Học và Nguyễn Văn Trường.
Các cầu thủ bị bắt giữ (từ trái qua): Dương Quang Tuấn, Đinh Thanh Trung, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Trung Học và Nguyễn Văn Trường.

Thế nhưng, với những lý do nào đó, vấn nạn này “được buông lỏng” hàng chục năm qua, chưa có bất cứ giải pháp nào thực sự đủ mạnh để giải quyết dứt điểm.

“Nỗi ám ảnh” trở lại

Ngày 8/5, làng bóng đá rúng động với thông tin, nhiều cầu thủ của một câu lạc bộ tại V-League sử dụng ma túy. Chỉ ít giờ sau, không còn là thông tin đồn đoán khi Công an tỉnh Hà Tĩnh chính thức thông báo về việc bắt giữ 10 nghi can tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong đó có 5 cầu thủ của câu lạc bộ bóng đá Hà Tĩnh, gồm: Đinh Thanh Trung (36 tuổi), Nguyễn Ngọc Thắng (22 tuổi), Dương Quang Tuấn (28 tuổi); Nguyễn Trung Học (26 tuổi) và Nguyễn Văn Trường (21 tuổi). Những cầu thủ này và các nghi can khác trong vụ việc đã bị tạm giữ hình sự.

Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với sự hiện diện của nhiều cầu thủ nổi tiếng, đã và đang khoác áo đội tuyển quốc gia.

Đơn cử như Đinh Thanh Trung từng là niềm cảm hứng, thần tượng của nhiều cầu thủ trẻ ở Quảng Nam và Hà Tĩnh. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tiền vệ sinh năm 1988 khoác áo Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 16 năm 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), U23 Việt Nam tranh tài ở SEA Games 26 và đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016. Với câu lạc bộ, đỉnh cao của Thanh Trung vào năm 2017, cùng Quảng Nam vô địch V-League, Siêu cúp quốc gia và đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.

Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Thắng là tài năng trẻ của bóng đá Hà Tĩnh, thường xuyên góp mặt ở tuyển U23 Việt Nam. Trung vệ 22 tuổi này vừa tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2024 tháng 3 vừa qua tại Qatar, thi đấu 3 trận.

Ngọc Thắng bị chỉ trích mạnh mẽ sau sai lầm ở lượt ra quân, U23 Việt Nam thắng Kuwait 3-1. Ở phút bù thứ nhất khi đang dẫn 1-0, Ngọc Thắng phạm lỗi rất khó hiểu với cầu thủ đối phương trong vòng cấm dẫn đến phạt đền và phải nhận thẻ đỏ trực tiếp. Trước đó, Ngọc Thắng nằm trong đội hình U23 Việt Nam vô địch U23 Đông Nam Á 2022 và 2023, tham dự SEA Games 32 tại Campuchia.

Ngay trong ngày 8/5, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ thi đấu các giải bóng đá quốc gia do tổ chức này quản lý cho đến khi có quyết định thay thế đối với 5 cầu thủ của câu lạc bộ Hà Tĩnh.

Ngoài ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng có công văn gửi các câu lạc bộ tham dự các giải bóng đá quốc gia, đề nghị tăng cường công tác quản lý, giáo dục cầu thủ của của mình.

Trên thực tế, không phải đến khi 5 cầu thủ của câu lạc bộ Hà Tĩnh bị bắt thì bóng đá Việt Nam mới đối mặt với tệ nạn cầu thủ sử dụng ma túy. Xuyên suốt chiều dài hơn 20 năm ra đời và phát triển của V-league, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra.

Năm 2004, câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã ra quyết định đuổi cầu thủ trẻ Nguyễn Văn Ý vì liên quan đến nghiện hút. Đặc biệt, cũng năm 2007, tiền vệ nổi tiếng Nguyễn Xuân Thành (22 tuổi) của Hà Nội ACB bị bắt vì tàng trữ cả chục viên thuốc lắc trong người khi đang chuẩn bị sử dụng ở vũ trường New Century tại Hà Nội.

Trận Sông Lam Nghệ An (bên phải) gặp đội TPHCM ngày 13/5 trên sân Vinh. Ảnh: VPF.

Trận Sông Lam Nghệ An (bên phải) gặp đội TPHCM ngày 13/5 trên sân Vinh. Ảnh: VPF.

Năm 2008 được coi là điểm đen của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với rất nhiều vụ việc liên quan đến ma túy. Đầu năm, cũng là bóng đá Nghệ An, tài năng 19 tuổi Nguyễn Hồng Việt bị công an thành phố Vinh bắt khi đang tàng trữ một tép heroin trong người. Hồng Việt là tiền đạo xuất sắc tại giải bóng đá U21 quốc gia 2007 và đã được Ban huấn luyện đội bóng xứ Nghệ đưa lên đội một.

Cuối năm, cầu thủ 17 tuổi Nguyễn Chính Âu của đội U19 SHB Đà Nẵng bị bắt khi đang cùng một nhóm thanh niên khác chơi thuốc lắc tại khách sạn Thiện Thanh (đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, 5 cầu thủ của Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC), gồm: Lê Sỹ Mạnh, Lê Hoàng Anh Thi, Nguyễn Xuân Tú, Nguyễn Trọng Minh và Trần Quốc Tuấn là 5 trong số 28 người bị bắt quả tang khi đang sử dụng thuốc lắc ở khách sạn Mai Vinh trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TPHCM).

Cũng trong năm 2008, sau khi V-League kết thúc, 5 thành viên đội Xi măng Hải Phòng bị bắt ở bar Friendly vì sử dụng ma túy tổng hợp. Đáng nói hơn là trong số này có cả bác sĩ và huấn luyện viên phó của đội. Và cũng cần nói thêm, nhiều câu lạc bộ, đội bóng “âm thầm” thanh lý hợp đồng với những cầu thủ do họ dính vào ma túy.

Không chỉ nội binh, ngoại binh sử dụng ma túy cũng là vấn nạn nhức nhối của V-League. Như mùa giải 2003, tiền đạo Musisi (người Uganda) khi đó khoác áo câu lạc bộ Đà Nẵng về thăm nhà rồi không bao giờ trở lại do nhiễm phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và nghiện ma túy nặng trong thời gian chơi bóng ở Việt Nam.

Trước thềm V-League 2009, Sông Lam Nghệ An cho toàn đội đi kiểm tra đột xuất, qua đó phát hiện và gấp rút thanh lý hợp đồng với 2 ngoại binh Kankam và Gordon vì mẫu xét nghiệm nước tiểu của 2 ngoại binh này có phản ứng dương tính với ma túy.

Đến năm 2010, tiền đạo Molina của Becamex Bình Dương đã đột tử tại một khách sạn ở phường Phạm Ngũ Lão (TPHCM). Tại hiện trường vụ án, lực lượng chức năng đã thu nhặt được kim tiêm, cùng chất bột màu trắng. Sau đó, cơ quan điều tra có quyết định cuối cùng về cái chết của chân sút người Argentina này là do sốc ma túy.

Tshamala Kabanga, cầu thủ thi đấu cho câu lạc bộ GĐT Long An từng tiết lộ, rất nhiều ngoại binh dùng ma túy, một số thậm chí đã chuyển qua chích.

Câu lạc bộ Hà Tĩnh chụp ảnh trước trận gặp Hà Nội FC ngày 13/5 trên sân Hà Tĩnh. Ảnh: VPF.

Câu lạc bộ Hà Tĩnh chụp ảnh trước trận gặp Hà Nội FC ngày 13/5 trên sân Hà Tĩnh. Ảnh: VPF.

“Đánh trống bỏ dùi” đến bao giờ?

Ma túy đã hủy hoại sự nghiệp nhiều cầu thủ, ảnh hưởng nặng nề đến các câu lạc bộ cũng như hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Bên cạnh ý thức của cầu thủ, thì vấn nạn này tồn tại dai dẳng và đang có dấu hiệu bùng phát còn xuất phát từ cách quản lý, cũng như hành động của những người có trách nhiệm.

Bởi sau vụ việc 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh, trong tương lai sẽ xảy ra bao nhiêu vụ tương tự? Còn bao nhiêu cầu thủ đang sử dụng ma túy, chất kích thích chưa bị phát hiện?... Những câu hỏi mà không ai dám trả lời, bởi những gì xảy ra có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm lâu nay vốn bị buông lỏng, hoặc các bên liên quan đùn đẩy trách nhiệm.

Sau những vụ việc chấn động về ma túy ở V-League 2008, từ những mùa giải sau, ban tổ chức luôn có động thái như gửi công văn kêu gọi nâng cao ý thức, giáo dục cũng như quản lý chặt chẽ cầu thủ…, giống như văn bản gửi câu lạc bộ Hà Tĩnh và các đội bóng khác vừa qua, đồng thời yêu cầu cầu thủ của các câu lạc bộ cam kết… không sử dụng ma túy.

Vấn đề ở chỗ, từ mùa giải 2009, 2010 đến nay, đơn vị tổ chức giải chưa có chương trình hành động nào quyết liệt, đủ mạnh để đối phó với tình trạng cầu thủ sử dụng ma túy. Ngay cả khi thành lập tiểu ban y học nằm trong ban tổ chức giải có lẽ cũng chỉ cho “đủ mâm đủ cỗ”.

Trong Điều lệ các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp, cụ thể là mùa giải 2023-2024, khoản X có nêu quy định về công tác kiểm tra doping, phòng, chống dịch và y tế. Trong đó cụ thể quy trách nhiệm như:

36. Công tác y tế, kiểm tra Doping

36.1. Trách nhiệm của các CLB

- Đảm bảo cho các cầu thủ của đội mình được thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra y tế, có giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tiêu chuẩn cầu thủ tham dự Giải; cam kết không sử dụng các chất cấm (ma túy, gây nghiện, doping....) trong quá trình tham dự Giải.

- Giáo dục, quản lý và nghiêm cấm cầu thủ của đội mình sử dụng các chất cấm. Những CLB có cầu thủ bị phát hiện sử dụng chất cấm sẽ không được phép bổ sung cầu thủ mới thay thế vị trí đó; đồng thời, phải chịu trách nhiệm liên đới với tư cách là đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng cầu thủ đó.

36.2. Trách nhiệm của BTC Giải

- BTC Giải phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công An, Ban Y học và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra y tế, chất gây nghiện, doping đối với các cầu thủ của các CLB tham dự Giải.

- Thành lập đoàn kiểm tra đảm bảo chuyên môn, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc ngẫu nhiên tại một số CLB.

- Những trường hợp bị phát hiện có sử dụng các chất cấm, cầu thủ sẽ ngay lập tức bị cấm thi đấu và bị xử lý theo Quy định Kỷ luật của LĐBĐVN và của FIFA.

Nhìn ở trách nhiệm ban tổ chức giải, họ có “thẩm quyền tiến hành kiểm tra y tế, chất gây nghiện, doping đối với các cầu thủ tham dự giải”, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc ngẫu nhiên tại một số câu lạc bộ. Vậy vấn đề này đến giờ được tiến hành như thế nào? Ban tổ chức giải đã tiến hành chưa? Phát hiện được trường hợp nào không? Hay những người có trách nhiệm vẫn chưa tiến hành, những quy định đặt ra chỉ tồn tại trên giấy? Trong khi đó, nếu tính từ Musisi năm 2003 đến vụ 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh thì vấn nạn này đã xảy ra và kéo dài 21 năm.

Ông Văn Sỹ Sơn – huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Quảng Nam mới đây nêu quan điểm: V-League vẫn chưa thực hiện công tác kiểm tra doping cho cầu thủ.

Theo ông Sơn, Ban Tổ chức giải phải làm ngay để ngăn ngừa tình trạng cầu thủ sử dụng ma túy, chất kích thích, đồng thời nhấn mạnh, cần đưa ra quy chế rõ ràng, khi kiểm tra phát hiện, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Giải pháp tốt nhất là kiểm tra doping theo quy định, bởi cầu thủ đã trưởng thành, chuyên nghiệp nên lãnh đạo câu lạc bộ, cũng như huấn luyện viên không thể theo sát cầu thủ. Những biện pháp cứng rắn sẽ đủ sức răn đe cầu thủ.

Một huấn luyện viên ở V-League đã đề cập đến vấn đề giáo dục thực chất, không chạy theo hình thức. Theo đó, cần nâng cao hình ảnh và ý thức từ đội ngũ huấn luyện viên đội trẻ. Không chỉ dạy chuyên môn, những người thầy tuyến năng khiếu, lớp trẻ còn bảo ban trò những điều hay, lẽ phải, trang bị kiến thức về chất cấm, ma túy. Điều đó giúp các em khôn ngoan, bản lĩnh để đứng vững trước những cám dỗ luôn tồn tại xung quanh. Nếu để cầu thủ trẻ dính ma túy thì họ sẽ khó mà bỏ khi bước lên đội 1, kể cả thành ngôi sao. Như thế, tác động tiêu cực sẽ lan rộng và hệ lụy vô cùng khủng khiếp.

Cái kết của những cầu thủ sử dụng ma túy ở Việt Nam đều rất tệ hại. Có người sớm mất sự nghiệp bóng đá đang lên, cầu thủ tán gia bại sản, vật vã cai nghiện để làm lại cuộc đời. Vụ việc 5 cầu thủ của đội Hà Tĩnh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các cầu thủ Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò của ban tổ chức giải cần hành động cụ thể, triệt để nhằm bảo vệ hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp, sâu xa hơn còn cho chính các cầu thủ. “Đòn đau nhớ đời” – lời dạy của tiền nhân vẫn nguyên giá trị.

Nêu quan điểm sau vụ việc 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh bị bắt, ông Dương Vũ Lâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 5 (2005-2009), trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 chia sẻ, có 2 biện pháp giúp ngăn ngừa việc cầu thủ nội sa ngã, thậm chí lao vào con đường sử dụng ma túy, thứ nhất đó là biện pháp kỹ thuật, xét nghiệm ở cấp câu lạc bộ và ở cấp độ các giải đấu.

Biện pháp còn lại là tăng cường giáo dục cầu thủ từ khâu đào tạo. Việc kiểm tra khiến cho các cầu thủ không dám buông thả, vì nếu buông thả, nguy cơ bị phát hiện quá cao, và nếu giáo dục được các cầu thủ ý thức từ nhỏ ở các lò đào tạo, họ sẽ dần hình thành một phản xạ gần như tự nhiên, tự giác tránh xa lối sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có ma túy.

Tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức các giải Bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 2024/25 với sự tham gia của 24/25 câu lạc bộ chuyên nghiệp, Trưởng phòng Y học thể thao Liên đoàn bóng đá Việt Nam - ThS.BS Nguyễn Văn Phú đã có những trình bày về kế hoạch kiểm tra, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, phòng tránh chấn thương cho cầu thủ ở mùa giải mới.

Đặc biệt, công tác phòng chống doping sẽ được quan tâm nhiều hơn. Dự kiến ở một số trận đấu có tính chất căng thẳng, quyết định tới thứ hạng (nhất là việc lên xuống hạng hoặc tranh chức vô địch) đội ngũ bác sĩ sẽ kết hợp cùng cơ quan phòng chống doping tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên với các cầu thủ tham dự. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả trận đấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.