Một chương trình cấp bằng trực tuyến có thể giúp học viên có được bằng cấp thông qua internet mà không cần đi học tập trung trực tiếp.
MOOC là học tập dựa trên web, đưa ra mức chi phí phải chăng và linh hoạt so với các chương trình cấp bằng trực tuyến khác. Hiện tại, hơn bao giờ hết, mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận các loại hình GD trực tuyến nhờ internet đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo ClassCentral, có 110 triệu người học MOOC vào năm ngoái (chưa kể Trung Quốc), so với 101 triệu người năm 2018. Điều này cho thấy số người học MOOC đã tăng lên.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên đi kèm theo mức tăng các phiên bản giả mạo.
Theo hãng tin Business Insider, có hơn 350 trang web giả dạng các ĐH trực tuyến hợp pháp, bán khoảng 200.000 bằng giả.
Hậu quả của việc bị bắt quả tang dùng bằng trực tuyến giả rất nghiêm trọng, bạn không chỉ bị đuổi việc mà có thể phải ngồi tù. Do vậy hãy thật cảnh giác khi đăng ký học một chương trình cấp bằng trực tuyến.
Có thể không dễ dàng nhận ra yếu tố lừa đảo vì chiến thuật tiếp thị của họ có thể rất thuyết phục, nhưng bạn có thể tham khảo một số điều dưới đây để đảm bảo có lựa chọn đúng đắn.
Được công nhận
Bạn chỉ nên đăng ký xin cấp bằng trực tuyến tại một ĐH đã được công nhận. Điều này có nghĩa là trường ĐH đó phải được một cơ quan của chính phủ hay Bộ GD của một quốc gia xác nhận.
Trường ĐH đó thường sẽ hiển thị sự công nhận trên trang web của mình. Bạn cũng có thể tìm kiếm trên trang Accreditation.org. Nếu bạn nghi ngờ trường ĐH đang hiển thị kiểm định giả, bạn có thể gọi cho tổ chức trên và hỏi.
Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ. Theo hãng tin US News, với sự phát triển của các loại hình công nhận, như huy hiệu, chứng chỉ... một số chương trình đào tạo thực sự không được công nhận. Trong đó có hoạt động đào tạo dựa trên kỹ năng của doanh nghiệp đưa ra.
Trong trường hợp này, việc công nhận có thể không thực sự cần thiết khi các chương trình do một doanh nghiệp hợp pháp đưa ra. Tuy nhiên, đối với các chương trình cấp bằng thực sự, bạn nên đảm bảo họ được công nhận.
Tên tuổi
Thông thường, kẻ cung cấp bằng trực tuyến giả mạo hay sửa đổi tên các trường ĐH uy tín để lừa mọi người nghĩ rằng mình cung cấp bằng thật hoặc liên kết với các trường uy tín đó.
Ví dụ, họ có thể tự gọi mình là “ĐH Công nghệ Oxford” trong khi trường này không thực sự tồn tại.
Hãy cảnh giác với những trang web sử dụng các kiểu tên như vậy, nếu bạn có nghi ngờ, hãy tìm hiểu xem chúng có thật hay không.
Thiếu thông tin liên lạc và nguồn tài nguyên.
Bạn có thấy khó tìm thấy số điện thoại hay địa chỉ trên trang web? Địa chỉ email có đáng nghi ngờ không? Thông tin tài nguyên như thế nào?
Việc không có thông tin liên lạc phù hợp là một yếu tố đáng ngờ vì các trường danh tiếng sẽ có nhiều cách để liên lạc với họ nếu banj muốn yêu cầu thêm thông tin.
Họ cũng hiển thị rõ tài nguyên cho SV trên trang web của mình. Theo US News, các chương trình trực tuyến hợp pháp thường có một loạt các tài nguyên dành cho SV như hỗ trợ công nghệ, tư vấn học tập và dịch vụ thư viện.
Nếu bạn không thể tìm thấy bằng chứng của những nguồn trên, bạn nên nghi ngờ đó có thể không phải là một chương trình cấp bằng hợp pháp.
Việc nhập học và lấy bằng có vẻ quá dễ dàng
Nếu các yêu cầu nhập học có vẻ quá thoải mái và họ hứa hẹn những cách nhanh chóng và dễ dàng để được chấp nhận, rất có thể họ không hợp pháp.
Nếu họ chỉ hỏi sơ yếu lý lịch hoặc thư mà không yêu cầu bằng cấp trước đó của bạn hay kết quả thi, bạn có thể nghi ngờ.
Vì những bằng giả trực truyến thường lừa đảo để lấy tiền của bạn, họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng thật dễ dàng để đăng ký học và có bằng để bạn bị cuốn hút và trả phí.
Yêu cầu trả học phí trước
Trường ĐH yêu cầu bạn trả toàn bộ học phí trước khi bắt đầu học thể hiện sự đáng ngờ lớn. Điều này thường không bao giờ xảy ra đối với các trường hợp pháp.
Một tổ chức yêu cầu SV trả rất nhiều tiền trước khi SV chính thức nhập học rõ ràng là không phải là tổ chức hợp pháp có thể cấp bằng trực tuyến.