Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (4/10/1961 - 4/10/2021) và 20 năm Ngày toàn dân phòng cháy & chữa cháy (4/10/2001 – 4/10/2021).
Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm thuộc 5 thể loại (thơ, truyện ngắn, kịch ngắn, âm nhạc, nhiếp ảnh) của hàng trăm tác giả ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, tác phẩm tham dự cuộc vận động khá đồng đều về chất lượng, đa dạng trong cách thể hiện. Đa số các tác phẩm bám sát chủ đề, tập trung khắc họa một cách sống động hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân trong cuộc chiến với giặc lửa hay công tác cứu hộ, cứu nạn.
Nhiều tác phẩm thể hiện góc nhìn nhân văn sâu sắc cũng như niềm cảm phục, biết ơn đối với người chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ... Đặc biệt, có những tác giả tham gia ở nhiều thể loại và chất lượng tác phẩm được đánh giá cao.
Mảng thơ và truyện ngắn, số lượng tác giả tham gia khá đông đảo trong đó có nhiều cây bút trẻ, những tác giả không chuyên. Chất lượng các tác phẩm tương đối đồng đều, khoảng cách không xa, ngay cả giữa giải cao và giải thấp.
Mảng âm nhạc, đa số các ca khúc gửi tham dự cuộc vận động được Hội đồng thẩm định đánh giá cao ở cả giai điệu và ca từ cũng như ý tứ, chiều sâu của tác phẩm. Một số tác phẩm có tính lan tỏa, dễ phổ cập.
Thể loại kịch ngắn, cho thấy sự đầu tư công phu của các tác giả. Dù là đề tài khô, khó và chỉ giới hạn trong một kịch bản ngắn song các tác giả vẫn có thể tạo nên những tình huống kịch khá hấp dẫn không chỉ của kịch nói, hài kịch mà còn của cả kịch thơ, ca cảnh chèo…
Với nhiếp ảnh, những khoảnh khắc chân thực, sống động được tác giả ghi lại ngay tại “hiện trường” hay trong các hội thi, buổi diễn tập Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.… cũng đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Với sự làm việc công tâm, khách quan, sau 3 vòng chấm chọn, Hội đồng thẩm định đã đề cử 46 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết xét tặng giải thưởng. Tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc vận động, Ban tổ chức đã trao giải 3 giải Nhất, 8 giải Nhì, 15 giải Ba và 20 giải Khuyến khích cho các tác giả ở 5 thể loại.
Trong đó, thể loại truyện ngắn và thơ đều không có giải Nhất. 2 giải Nhì của từng thể loại được trao cho tác phẩm “Một đêm và một đời” của nhà văn Nguyễn Xuân Hải và tác phẩm “Ngược chiều” của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.
Ở thể loại kịch ngắn, âm nhạc và nhiếp ảnh, giải Nhất được lần lượt trao cho: tiểu phẩm “Anh là phúc của nhà em” của PGS. TS Trần Trí Trắc, ca khúc “Thương anh” của nhà báo Tào Khánh Hưng và bức ảnh “Lo âu” của tác giả Nguyễn Quốc Hùng.
Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức cuộc vận động cho biết, thời gian diễn ra cuộc vận động rất ngắn lại trong bối cảnh dịch Covid–19 diễn biến rất phức tạp nhưng Ban tổ chức đã rất bất ngờ khi nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tác giả không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Nông, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Yên, Đồng Nai, Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh…
Điều đó cho thấy sức lan tỏa rộng của cuộc vận động. Đáng chú ý, không ít các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt, tạo ấn tượng đối với Hội đồng thẩm định. Đây cũng chính là sự khích lệ, động viên không nhỏ tới Ban tổ chức.
"Mỗi tác phẩm của các tác giả gửi về tham dự cuộc vận động chính là những món quà ý nghĩa dành tặng những “anh hùng áo lửa”, như một sự tri ân những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ. nói riêng.
Đồng thời góp phần cổ vũ, khích lệ các chiến sĩ luôn vững vàng ý chí, dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ vì cuộc sống bình yên của nhân dân...”, Nhà báo Vương Minh Huệ nhấn mạnh.