Tổng kết và trao giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2021: Đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có Giáo dục. Học sinh của nhiều tỉnh, thành phố phải học trực tuyến, qua truyền hình thay vì được đến trường.

Các em học sinh ở điểm trường A Lao.
Các em học sinh ở điểm trường A Lao.

Các nhà báo đã kịp thời phản ánh, ghi nhận những nỗ lực của ngành trong thời gian qua, nhất là việc duy trì các hoạt động giáo dục, không để vì dịch bệnh mà các hoạt động giáo dục bị “đứt gãy”.

Hơn 700 tác phẩm báo chí dự giải ở các thể loại cho thấy sự quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu của đội ngũ nhà báo trước thách thức, nỗ lực vượt khó và cả điều cần điều chỉnh của ngành Giáo dục nói chung và cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nói riêng.

Dấn thân cùng giáo dục

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại - Trưởng ban Tổ chức Giải thông tin: Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm nay ghi nhận sự vượt trội về số lượng tác phẩm. Ban tổ chức đã nhận được hơn 700 tác phẩm dự thi từ 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình; với sự tham gia đông đảo các cơ quan báo chí từ Trung ương đến các địa phương ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Theo đánh giá của giám khảo cả 2 vòng chấm, Giải năm nay ghi nhận sự vượt trội về chất lượng, nội dung và hình thức thể hiện của các tác phẩm dự thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu và ghi dấu ấn rõ ràng sự dấn thân, lao động báo chí của các tác giả.

Đề tài của tác phẩm dự thi cũng được khai thác phong phú; xây dựng được nhiều điển hình, phát hiện tấm gương đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Giải cũng ghi nhận nhiều hơn các tác phẩm đi sâu phân tích, mổ xẻ những vấn đề giáo dục “nóng”; phản ánh nhiều chiều những hoạt động của ngành.

Ghi nhận sự dấn thân của nhà báo với ngành Giáo dục, ông Trần Bá Dung - Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo thông tin: Bên cạnh những đề tài, câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc, mùa Giải năm nay, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Có thể kể đến tuyến bài “Trải thảm đỏ săn người giỏi về dạy học”. Trước bối cảnh đổi mới giáo dục ngày càng mạnh mẽ, nhiều địa phương mạnh dạn bứt phá, thay đổi cách làm trong việc tìm hướng đưa chất lượng giáo dục vươn lên.

Nhấn mạnh yếu tố con người, liên tiếp 5 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức rất thành công các mô hình khuyến học, mời gọi và tuyển dụng người tài về dạy học, với chính sách nhất quán: Tuyển dụng minh bạch, đối đãi tốt. Sở GD&ĐT Quảng Nam đã thực hiện đúng phương châm đặt ra “Muốn có trò giỏi, hãy đầu tư trước tiên để có ông thầy giỏi. Một người thợ giỏi sẽ làm được một sản phẩm tốt nhưng người thầy giỏi sẽ tạo ra ngàn trò giỏi”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khắp miền đất nước, khi giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, những tấm gương nhà giáo xung phong nơi tuyến đầu chống dịch. Không ít nhà giáo vừa chống dịch vừa dạy học trực tuyến hiệu quả là những nốt nhạc cổ vũ, thắp nên hi vọng mới giữa những bi quan, tiêu cực.

“Giữa vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã chủ động, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Rất nhiều tác phẩm phản ánh về cuộc chiến chống Covid-19; quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh được tạo nên bởi ý chí, sức mạnh của cả tập thể”, ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Cảm phục nghị lực người thầy

Vì dịch bệnh Covid-19, năm học 2020 - 2021 học sinh các cấp đã bắt đầu năm học bằng hình thức học online. Vì dịch bệnh Covid-19, năm học 2020 - 2021 học sinh các cấp đã bắt đầu năm học bằng hình thức học online.

Thông qua tác phẩm phẩm “Thắp ước mơ nơi rừng thẳm”, tác giả Nguyễn Thị Thảo đã khắc họa đậm nét hình ảnh những người thầy, người cô dành cả tuổi thanh xuân để mang con chữ đến cho học trò nghèo.

Chia sẻ về tuổi thơ những đứa trẻ bị núi rừng đánh cắp bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa là cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình khó khăn, nên giấc mơ của các em cũng trở nên giản dị, mộc mạc hơn bao giờ hết.

Các em chỉ mong tiếp tục được đi học, để thoát khỏi nghèo đói bủa vây trong nếp nhà sàn bao đời nay, và sâu xa hơn giúp các em xóa bỏ đi những tư tưởng đã ăn sâu trong tiềm thức để buôn làng mình ngày càng khởi sắc, tốt đẹp hơn.

Người giúp lũ trẻ vùng khó hiện thực hóa giấc mơ chính là thầy cô giáo cắm bản. Dưới cái lạnh của miền sơn cước, những nắm xôi được giáo viên dậy sớm nấu vội vừa ăn sáng và gói lên phát cho học sinh càng làm ấm thêm tình cảm thầy trò nơi chốn thâm sơn. Những nẻo đường lạ thành quen, điểm trường lẻ xa xôi trở nên thân thuộc. Bàn chân thầy, cô đi từng nhà dân, lên vạt rẫy đưa học sinh đến trường.

Với tâm niệm sống chân thành, tình cảm, mỗi sáng thức dậy, các cô tại điểm trường lại gác hết những công việc gia đình để tiếp tục sự nghiệp cõng chữ lên non. Cứ thế, mỗi năm học đến, cánh cổng điểm trường lẻ được mở đón học trò. Những đứa trẻ từ nương rẫy trở về, ríu rít gọi nhau đến lớp.

Những chuyến công tác ở vùng cao biên giới Thanh Hóa, nhà báo Nguyễn Thế Lượng gặp nhiều thầy cô giáo từ miền xuôi lên cắm bản. Trong họ đều chung khát khao được cống hiến sức lực, trí tuệ để trẻ vùng cao có chữ.

Là phóng viên thường trú, nhà báo Nguyễn Thế Lượng kể: Từ đỉnh Sài Khao, Pha Đén, Hua Pù, Con Dao, Suối Tút, Pù Đứa, Pù Quăn hay Tà Kóm của huyện biên giới Mường Lát... Rồi những bản người Mông xa xôi, hẻo lánh, như: Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu ở huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa), ở đâu tôi cũng bắt gặp những thầy, cô giáo cắm bản.

Có những thầy, cô giáo rời bỏ gia đình, rời bỏ cuộc sống nơi đô thị để tình nguyện đến với các em nhỏ ở vùng xa xôi, hẻo lánh. Cũng không ít thầy, cô giáo là người vùng biển đã tình nguyện lên vùng biên giới Việt - Lào để “gieo chữ” trên đại ngàn cho hàng vạn trẻ thơ từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, giờ đây vẫn chưa thể “hồi hương”.

Đó là thầy Hoàng Sỹ Xuân, ở xã Quảng Tâm, huyện Quảng Xương, (nay là TP Thanh Hóa), lên Mường Lát nhận công tác từ năm 1997. Từ đó đến nay, thầy gắn bó với mảnh đất này và hiện công tác tại Trường PTDT bán trú - THCS Mường Lý (cách nhà 230 km).

“Nhiều lúc muốn xin về xuôi để được gần vợ con, có điều kiện chăm sóc mẹ già, nhưng không thể. Bây giờ, ý định xin chuyển về xuôi cũng không còn đau đáu như trước nữa. Bởi lẽ, kể cả về xuôi được cũng chẳng biết sẽ làm gì, ở đơn vị nào, vì cơ hội đến với mỗi người không được như mong muốn.

Mỗi khi nghĩ đến vấn đề này, những người công tác lâu năm như chúng tôi lại xác định bao nhiêu năm qua khó khăn, vất vả như vậy mình còn vượt qua. Đến bây giờ, cũng chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nên tự động viên mình hãy cố gắng mà thôi” - thầy Xuân kể.

Còn cô Mai Thị Lâm, ở xã Nga Thạch, huyện ven biển Nga Sơn đã có thời gian công tác tại vùng biên giới Mường Lát gần 20 năm. Cô Lâm đã gửi trọn tuổi thanh xuân của mình cho núi rừng, để dìu dắt bao thế hệ học trò nơi đây. Nhiều lúc quá khó khăn, cô Lâm cũng đã có ý định buông bỏ.

Nhưng rồi, chứng kiến cảnh con em đồng bào ở đây có nhiều trẻ thất học, lòng yêu nghề của cô giáo Lâm đã thắng tất cả những nỗi tủi hờn, khó khăn, vất vả, gian truân... Trải qua bao năm, những giọt nước mắt của cô Lâm cứ thế thấm vào... đá núi. “Tôi chỉ mong người thân trong gia đình luôn mạnh khỏe và thông cảm để mình an tâm công tác. Những vất vả về tinh thần, vật chất mình quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi”, cô Lâm chia sẻ.

Khi được gặp những thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian truân, vất vả để đem trí thức đến cho các thế hệ học trò ở vùng xa xôi, hẻo lánh, để rồi gửi lại tuổi thanh xuân của mình với núi rừng ấy, nhà báo Nguyễn Thế Lượng tâm sự anh thực sự xúc động, khâm phục họ bởi đức tính hy sinh cao cả, tình thương đối với trẻ em vùng khó khăn và hơn cả là tình yêu nghề.

Nhiều người đã dành trọn cuộc đời của mình để cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục vùng cao, xa xôi, khó khăn và hẻo lánh... Và có lẽ, lý do trên và nhiều lý do khác nữa, nhóm tác giả đã quyết định triển khai đề tài “Luân chuyển giáo viên: Đằng đẵng đợi ngày về”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.