4 thành công của Kỳ thi THPT quốc gia 2018

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã kết thúc. Đây là năm thứ tư Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi này với 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét đại học cao đẳng. Về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017. Nhìn lại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ với báo chí.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra nhẹ nhàng nghiêm túc
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra nhẹ nhàng nghiêm túc

4 điểm thành công của Kỳ thi

* Thưa ông thí sinh cả nước vừa hoàn thành Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Nhìn nhận một cách tổng quan, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của kỳ thi năm nay.

- Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được tổ chức trên cơ sở giữ ổn định của kỳ thi năm 2017, với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kì thi an toàn, nghiêm túc và kết quả tin cậy hơn.

Bộ GD&ĐT đã chủ động sớm các quy chế, ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng, chuẩn bị các phần mềm phục vụ cho kỳ thi này. Các bộ ngành đã phối hợp một cách nhịp nhàng, với kế hoạch rất cụ thể triển khai trong toàn hệ thống.

Đặc biệt là các địa phương đã rất tích cực chủ động, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm rất cao, để dành những gì tốt nhất cho kỳ thi; trong đó có cả các phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường.

Chính sự chuẩn bị với trách nhiệm cao như vậy mà đã giải quyết tốt những vấn đề đã xảy ra, đặc biệt ở các tỉnh miền núi có lũ quét vừa rồi. Do đó Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã thành công, thể hiện trên một số nét chính sau đây:

Thứ nhất: Kỷ luật phòng thi tốt, trật tự an toàn, kỳ thi nhẹ nhàng, nghiêm túc. Cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ theo quy chế. Qua thực tế cho thấy, phương thức tổ chức thi như hiện nay, các cháu được thi ngay tại huyện, đi thi như đi học đã khẳng định tính hợp lý, hiệu quả và đã được cả xã hội đồng tình ủng hộ.

Thứ hai cả xã hội nhất là các địa phương đã rất nỗ lực, chung tay góp sức với ngành giáo dục để tổ chức thành công kỳ thi.

Thứ ba là sự phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng với các Sở GD&ĐT đã rất nhịp nhàng hiệu quả.

Thứ tư đề thi được bảo mật tuyệt đối, bước đầu được dư luận đánh giá cao, bám sát mục tiêu kỳ thi, phù hợp với chương trình phổ thông, có sự phân hóa tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp THPT và đặc biệt là tuyển sinh vào các trường đại học cao đẳng.

* Ở mỗi kỳ thi, đề thi luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Dư luận có ý kiến cho rằng đề thi năm nay khá khó. Vậy ý kiến của PGS như thế nào?

- Đề thi đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là với Kỳ thi THPT quốc gia, khi mà kỳ thi này lấy kết quả để cho hai mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học cao đẳng.

Trước hết, phải khẳng định rằng, đề thi năm nay vẫn tiếp tục bám sát chương trình phổ thông, nội dung chủ yếu ở lớp 12 và có thêm một phần ở lớp 11. Để chuẩn bị điều này, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố đề thi tham khảo, để có tính chất định hướng cho giáo viên và học sinh trong dạy học và ôn tập.

Đề thi có khoảng 60% các câu hỏi ở mức độ cơ bản, phục vụ cho mục tiêu tốt nghiệp và 40% các câu hỏi ở mức độ nâng cao dần, có tính chất phân hóa cao hơn, để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sự phân hóa này là cần thiết, phù hợp với tính đa dạng của các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam chúng ta hiện nay.

Đặc biệt là nó phù hợp với phương thức tuyển sinh khi mà còn đang còn mang tính cạnh tranh. Tất cả các em học sinh có nguyện vọng học đại học nhưng không thể đáp ứng với quy mô hiện nay của các trường. Do đó chúng ta phải có những phương thức để làm sao chọn được những học sinh tốt nhất vào học ở các trường đại học, cao đẳng.

Vì thế sự phân hóa nằm ở vùng 40% các câu hỏi là rất cần thiết và phục vụ tốt cho mục tiêu xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Qua thực tế của các chuyên gia đánh giá và các em học sinh thì đến năm nay có sự phân hóa tốt hơn. Điều này hỗ trợ rất tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Ông Mai Văn Trinh đến kiểm tra, thị sát tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên (Hà Nam)
 Ông Mai Văn Trinh đến kiểm tra, thị sát tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên (Hà Nam)

Không phân biệt vùng miền

* Mọi người vẫn thường hay có định kiến so sánh sự khách quan công bằng giữa các điểm thi ở thành phố và các điểm thi ở địa phương của các tỉnh. Vậy ông nghĩ sao khi có sự so sánh độ khách quan này và thực tế đi kiểm tra thì ông nhìn nhận cách thức tổ chức thi ở các địa phương ra sao?

- Trước hết phải khẳng định rằng, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cũng như các năm trước đây được tổ chức trong cùng khuôn khổ của một quy chế, trong cùng một quy trình kỹ thuật. Do đó yêu cầu này được đặt ra với tất cả các điểm thi trong cả nước, chứ không có sự phân biệt giữa các vùng miền.

Qua báo cáo và đặc biệt là qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy rằng, ở 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi trong cả nước, từ thành phố đến miền xuôi, từ miền núi đến hải đảo đều được chuẩn bị một cách rất chu đáo, kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

Qua thực tế cho thấy, chính ở những vùng có điều kiện khó khăn hơn như miền núi, hải đảo đã được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Qua thực tế cho thấy, ở những nơi này đã có được sự chung tay hỗ trợ của các đoàn thể xã hội, của các tổ chức.

Và qua kỳ thi này, một lần nữa khẳng định truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và đặc biệt cho thấy là ngành GD-ĐT đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nước.

* Trong những ngày diễn ra kỳ thi, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có xảy ra mưa lớn, lũ quét gây sạt lở và ách tắc giao thông khiến một số thí sinh ở Lai Châu và Hà Giang không đến được điểm thi để dự thi. Vậy sau đây Bộ GD&ĐT sẽ có phương án như thế nào để hỗ trợ những thí sinh này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em?

- Trước hết chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn mất mát của đồng bào, của các em ở các tỉnh vùng lũ, đặc biệt ở Lai Châu và Hà Giang. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Bộ GD&ĐT đã rất kịp thời sát cánh cùng các địa phương.

Tuy nhiên ở hai tỉnh này vẫn còn 13 thí sinh không thể đến được trường thi. 13 thí sinh này dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Dựa vào khuôn khổ của quy chế căn cứ vào điều kiện thực tiễn và đặc biệt là căn cứ vào sự đề nghị của Ban chỉ đạo thi các tỉnh Lai Châu và Hà Giang, Bộ GD&ĐT chủ trương giải quyết trường hợp này theo hướng là vừa là bảo đảm quy chế, vừa bảo đảm quyền lợi của các em. Theo đó sẽ giao cho các sở GD&ĐT căn cứ vào quy chế hiện hành, để xét đặc cách tốt nghiệp Trung học phổ thông cho các em.

Xin cảm ơn ông!

Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực rất lớn của các địa phương ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt - đã nỗ lực tối đa, sử dụng các phương án dự phòng trước đó để phục vụ tốt nhất cho kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.