Kém tập trung
Kể từ 3 giờ chiều trở đi, mọi người có xu hướng trở nên mệt mỏi và năng suất công việc cũng giảm sút. “Hiện tượng này dường như là do nhịp sinh học và đồng hồ tự nhiên của cơ thể.
Do đó, nhiều người trong chúng ta có xu hướng cảm thấy buồn ngủ trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 giờ chiều”, bác sĩ Lara Sandon, người phát ngôn của Hiệp hội dinh dưỡng Mỹ, cho biết.
Một số nền văn hóa có thói quen ngủ trưa. Sau giấc ngủ trưa, mọi người có thể tập trung tốt hơn. Đối với các bác sĩ và y tá, cảm giác mệt mỏi sau 3 giờ chiều có thể làm tăng nguy cơ xảy ra sai sót khi điều trị bệnh, bác sĩ Sandon giải thích, theo Reader’s Digest.
Bác sĩ gây mê dễ sai sót
Các chuyên gia Đại học Duke (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu trên khoảng 90.000 ca phẫu thuật ở bệnh viện. Họ phát hiện bác sĩ gây mê có nhiều nguy cơ mắc sai lầm hơn trong các ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 giờ chiều.
Theo đó, kết quả cho thấy nguy cơ xuất hiện sai sót trong các ca phẫu thuật lúc 9 giờ sáng là 1%. Trong khi đó, tỷ lệ này vào 4 giờ chiều là 4,2%. Vì vậy, mọi người nên lên lịch thực hiện ca mổ trước 2 giờ chiều, theo Reader’s Digest.
Bác sĩ dễ lạm dụng kháng sinh
Hiện tại, phần lớn mọi người đều biết rằng kháng sinh không thể trị dứt hết mọi loại bệnh. Trong một số trường hợp, uống kháng sinh sẽ gây hại nhiều hơn là lợi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên chuyên san JAMA Internal Medicine phát hiện càng về đến cuối ngày, các bác sĩ có xu hướng kê kháng sinh nhiều hơn.
Thậm chí, họ có thể kê kháng sinh ngay cả khi không cần thiết, chẳng hạn như với các bệnh do vi rút gây ra. Đây là những bệnh cần trị bằng thuốc kháng virus chứ không phải kháng sinh.
Khả năng phát hiện ung thư kém hơn
Một nghiên cứu thực hiện trên 1.000 ca nội soi đại tràng cho thấy sau 3 giờ chiều, các bác sĩ sẽ có ít khả năng phát hiện các khối u nhỏ trên đại tràng. Những khối u này có thể phát triển thành ung thư. Cứ mỗi giờ trôi qua, xác xuất để họ phát hiện khối u sẽ giảm 5%, theo Reader’s Digest.