Nhưng bằng sự tinh tế, nhạy cảm, người giáo viên không chỉ tạo được sức sống trong giờ giảng văn mà còn giúp học sinh vượt qua được hàng rào ngôn ngữ, rút ngắn khoảng cách văn hóa để các em đến với thế giới hình tượng văn học một cách tự nhiên. Đó chính là kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Hà - Giáo viênTrung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh Lai Châu.
Chủ động làm công tác tư tưởng, gỡ bỏ rào chắn tâm lí
Cô Nguyễn Thị Hà cho biết, đại đa số học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh Lai Châu là con em các dân tộc thiều số nên thường nói không sõi, viết không chuẩn, do đó, hay tự ti, mặc cảm với môn Văn.
Muốn học viên học tốt môn Văn, cô giáo dạy Văn cần làm cho học viên yêu quý mình. Cô Hà cho rằng, học sinh dân tộc đã yêu quý thầy cô thì yêu luôn môn thầy cô dạy.
Vì vậy, khi thầy cô lên lớp cần có nét mặt rạng rỡ, cách nói chân thành tha thiết để thu hút học sinh, làm cho các em gần gũi và dần dần chăm chỉ, thích đọc Văn.
Bên cạnh đó, tâm lí của học viên trung tâm thường khép kín, ít cởi mở, chỉ trao đổi tâm tư tình cảm với những người yêu quý, cảm thông với mình, nên biện pháp tốt cho giáo viên là phải cảm hóa được học trò.
Nhưng để làm được điều này, giáo viên dạy Văn cần thường xuyên gần gũi, thủ thỉ, tâm tình, đặc biệt phải chân thật vì các em không thích thầy quá cao xa hoặc thầy quá xáo rỗng.
Giáo viên chủ động tháo gỡ thiếu hụt ngôn ngữ
Ngôn ngữ là khoảng cách thể hiện sự khác biệt giữa các đối tượng học sinh, do vậy trong các giờ Văn, giáo viên cần tạo ra một môi trường giao tiếp bằng tiếng việt một cách lí thú.
Cô Hà chia sẻ: Những năm qua tôi đã tổ chức cho các em tọa đàm trao đổi, nói chuyện, kể chuyện, viết bài về các nhân vật văn học nhằm mục đích trau dồi ngôn ngữ nói và viết, đặc biệt là học viên vùng cao cần được quan tâm để nâng cao dần trình độ tiếng việt, dần dần các em thích học tiếng việt yêu các tác phẩm văn học.
Đã có nhiều em có sổ tay văn học, chép lại những bài thơ, bài văn hay, những câu nói tâm đắc của những nhà yêu nước, từ đó các em có vốn văn để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày và vào bài tập làm văn.
Giáo viên cũng có thể tổ chức những cuộc thi đọc thuộc lòng, đọc diễn cảm, thi kể chuyện trong các giờ giảng văn hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Nhưng, quan trọng hơn cả, phải giúp học sinh hiểu tất cả các ý nghĩa của từ, dùng từ đúng. Để làm được điều này, giáo viên cần giảng giải về từ tỉ mỉ, cặn kẽ, điều này cần sự kiên nhẫn rất lớn.
Tăng cường rèn tư duy
Tư duy được tăng cường là biện pháp để nâng cao trình độ Văn học. Phải dạy học sinh biết thông qua tác phẩm để nhìn thấy cuộc sống.
Theo cô Nguyễn Thị Hà, việc rèn luyện tư duy cho học viên Trung tâm luôn được tiến hành thường xuyên, kiên trì, liên tục, bền bỉ và cụ thể, tỉ mỉ dần sẽ làm phong phú sự cảm nhận của các em về văn học, sẽ hình thành thói quen vận dụng tri thức lí luận vào việc học Văn, từ đó nâng cao chất lượng dạy Văn của giáo viên nói chung.
Giáo viên cần giúp học viên cắt nghĩa bốn lớp rõ ràng: Cắt nghĩa về từ ngữ, hình ảnh, hình tượng và cắt nghĩa về chủ đề:
Cô Hà chia sẻ: Trước khi giảng bài Tràng Giang tôi đã khảo sát và thấy một số em do trình độ tiếng Việt hạn chế nên sức gợi tả của bài thơ tác động rất ít đến các em.
Ví dụ, khi hỏi: Em hiểu như thế nào về hai chữ Tràng Giang trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận? Đại đa số các em chỉ nói được đó là con sông dài. Hỏi đến sắc thái trừu tượng và ý nghĩa cổ xưa của hai từ Hán Việt thì nhiều em không biết.
Do đó, tôi rất chú trọng khai thác tới ý vị cổ điển và hiện đại của đầu đề và lời đề từ. Đồng thời khai thác một số hình ảnh qua phân tích cách dùng từ giản dị, dễ hiểu…
Tác động bằng các biện pháp đặc thù của môn giảng văn
Theo cô Nguyễn Thị Hà, người giáo viên nên biết xử lý một văn bản nghệ thuật như một phương tiện để tác động vào đời sống tình cảm, tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, lối sống học viên.
Bởi vậy, cần sử dụng nhiều biện pháp để tác động đến tình cảm và cảm xúc tới trí tưởng tượng và óc liên tưởng, trí tuệ và nhân cách của học sinh, nhất là những đối tượng còn yếu kém khi.
Ví dụ: Đọc diễn cảm là biện pháp rất quan trọng, tạo nên tính biểu cảm cho giờ học và gây ấn tượng ban đầu cho học sinh.
Giáo viên luôn tạo điều kiện để học sinh bộc lộ ấn tượng khi tiếp cận tác phẩm văn học. Hướng các em vào giai điệu của các bài thơ, việc làm này có khả năng tác động vào tình cảm của học viên đồng thời dạy cho các em phương pháp tiếp cận, phân tích nhũng tác phẩm trữ tình.
Trong quá trình hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tác phẩm, giáo viên luôn sử dụng câu hỏi gợi tìm, dẫn dắt từ dễ đến khó. Đây là biện pháp giúp các em giải mã các hình ảnh, chi tiết hình tượng và giúp các em tìm ra điều các em muốn nói.
Đối với học viên yếu kém rất khó khăn trong việc tìm ra ý nghĩa khái quát; do vậy giáo viên hướng dẫn theo từng bước từ dễ đến khó.