Một trong những điều khiến phụ nữ sợ nhất là những cuộc cãi vã mệt mỏi, lãng phí thời gian với chồng hoặc bạn trai. Họ chán ngán với những xung đột diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại với cùng một lỗi lầm, sự việc. Bạn nghĩ mối quan hệ sẽ sớm kết thúc. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy.
Deborah Grody, nhà tâm lý học lâm sàng, nói với Time rằng: "Không có tranh cãi không phải là dấu hiệu cho thấy quan hệ tình cảm sẽ kéo dài. Trái lại những mối quan hệ ngay từ đầu đã nhạt nhẽo mới đáng lo lắng".
Bà phân tích rằng có một số cặp vợ chồng dường như cảm thấy công thức hoàn hảo cho hạnh phúc là sống hài hòa, nhưng nó vô tình biến thành sự thờ ơ. Họ không muốn thể hiện ý kiến cá nhân, thậm chí chẳng buồn quan tâm đối phương. Đây mới chính là những cặp vợ chồng có khả năng đi đến ly hôn.
Nói như vậy, không có nghĩa là những đôi cãi vã, thậm chí động chân động tay sẽ tốt hơn. Tranh luận chỉ tốt cho quan hệ tình cảm nếu nó mang tính xây dựng. Các cuộc đối thoại thẳng thắn sau khi tranh cãi, tốt hơn nhiều so với sự bực bội mỗi người phải chịu đựng trong thời gian dài.
Những cuộc tranh cãi mang tính xây dựng, làm rõ mọi khúc mắc khiến cả hai cảm thấy dễ chịu hơn. Ảnh: Shutterstock. |
Vậy nên cãi nhau thế nào cho đúng?
1. Tìm đến nguồn gốc của xung đột
Giáo sư xã hội học Noam Ostrander cho biết, các đôi nên hạ cái tôi xuống một chút và tìm đến gốc rễ của vấn đề. Ông đã dùng thuật ngữ "trận chiến 5:30" làm ví dụ trong các buổi tư vấn hôn nhân, gia đình.
"Trận chiến 5:30" có nghĩa là một trong hai người muốn trò chuyện về ngày đã qua, thường là sau giờ làm, trong khi người còn lại muốn giữ yên lặng và thư giãn trước. Sự im lặng này thường bị coi là thói vô tâm và từ đây, cuộc chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Như một sự thỏa hiệp, bạn có thể tạm dừng cãi vã, hôn đối tác của mình hoặc tránh đi đâu đó 15 phút để bình tĩnh lại, rồi mới quay lại nói chuyện," Ostrander khuyên nhủ.
2. Hãy hỏi han thay vì phàn nàn
Những câu đại loại như: "Anh không bao giờ... " hoặc "Anh lúc nào cũng..." là câu cửa miệng của nhiều người khi nói chuyện với đối tác. Người nghe sẽ cảm thấy những tuyên bố này "chụp mũ", và chán nản phản kháng lại.
"Bạn sẽ không bao giờ có thứ mình muốn nếu bạn không biết cách đưa ra yêu cầu," Ostrander nói.
Thay vì dùng cách nói đó, giáo sư khuyên các đôi nên yêu cầu người kia thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ: "Anh có thể lấy quần áo trong máy giặt ra và gấp chúng lại không?". Chắc chắn câu nói này sẽ dễ chịu hơn hẳn so với câu: "Anh không bao giờ giúp em làm việc nhà".
3. Lắng nghe và làm rõ thông tin
Trong khi cãi vã, người ta thường có thói quen nghĩ xem mình sẽ phản ứng lại thế nào thay vì lắng nghe đối phương.
Nếu bạn thực sự quan tâm, hãy lắng nghe và đừng cắt lời người kia. Nếu chưa rõ vấn đề, hãy hỏi lại và làm rõ thông tin trước khi phản ứng thái quá. Tất nhiên hãy thể hiện sự cầu thị, chân thành.
4. Sắp xếp thời gian để tranh luận
Điều này có vẻ khó thực hiện, đặc biệt là khi bạn đang cáu và muốn thể hiện rõ thái độ khi xung đột nổ ra. Nhưng "đình chiến" một chút sẽ cho cả hai có thời gian để tìm hiểu đâu là vấn đề khiến bản thân khó chịu. Tốt nhất không nên "đổ dầu vào lửa", dễ khiến cuộc tranh luận trở nên trầm trọng hơn.
Đừng quên rằng nếu bạn sai, hãy xin lỗi. Không cần phải lo lắng quá nhiều khi bạn và nửa kia phải đối mặt với xung đột - nó có thể là chìa khóa cho một mối quan hệ lâu dài, bền chặt hơn.