3 hình thức học tập gắn với thực tiễn

GD&TĐ - Thực hành, thực tập và trải nghiệm đều là những cách thức học tập gắn với thực tiễn, là những phương thức học tập hiệu quả.

3 hình thức học tập gắn với thực tiễn

Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) về các phương thức học tập nêu trên

Học qua thực hành, thực tập

Theo PGS, thực hành là việc vận dụng những kiến thức lý luận được học vào một ngữ cảnh mới của thực tiễn. Thông qua việc thực hành người học chính xác hóa và củng cố kiến thức thu được, hiểu kiến thức lý luận sâu sắc hơn và đồng thời chiếm lĩnh được một sỗ kỹ năng thực hiện.

Còn thực tập là việc chiếm lĩnh tri thức hay hình thành kỹ năng chủ yếu thông qua các thao tác hành vi, hành động trực tiếp của người học với đối tượng cần chiếm lĩnh trong môi trường xác định. Trong quá trình thực tập, người học tự rút kinh nghiệm, dần hình thành hiểu biết mới, năng lực mới.

Thực tập thường được sử dụng khá đa dạng, nó có thể được sử dụng với một số nội dung học tập có tính kỹ thuật chẳng hạn như: học bơi… và được sử dụng khi tập làm nghề sau một thời gian được trang bị tri thức lý luận và kỹ năng cho một lĩnh vực nhất định.

Học qua trải nghiệm

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho biết: Bên cạnh hai cách thức nêu trên, người học có thể học được nhiều kinh nghiệm từ trải nghiệm của mình. Những kinh nghiệm đã có luôn được bổ sung thường xuyên bởi trải nghiệm cá nhân.

Những trải nghiệm này rất quan trọng đối với việc học, bởi vì có nhiều kiến thức, kinh nghiệm con người chỉ có được qua trải nghiệm. Ví dụ: Thật khó dạy hoặc khó có thể mô tả cho người khác về vị chua thơm của quả chanh tươi, thay vì nghe kể, người học được nếm, được trải nghiệm với vị chanh khác.

Tuy nhiên, kinh nghiệm có được trải nghiệm bao giờ cũng tản mạn. Điều này có nghĩa là những kinh nghiệm thu được trong quá trình trải nghiệm còn mang tính rời rạc cụ thể.

“Học từ trải nghiệm thường mang lại cảm xúc cho cá nhân trong quá trình hoạt động nên những kinh nghiệm có được từ trải nghiệm cũng được lưu giữ lâu hơn trong trí nhớ.

Vì vậy người dạy cần tổ chức cho người học biết cách khái quát, sắp xếp những kinh nghiệm rời rạc thành tri thức, thành hiểu biết (chuyển hóa kinh nghiệm).

Vậy học từ trải nghiệm là quá trình học, theo đó kiến thức, năng lực được tạo ra thông qua việc chuyển hóa kinh nghiệm và là quá trình xây dựng ý nghĩa trực tiếp từ kinh nghiệm” – PGS trao đổi.

Quan điểm cơ bản trong mô hình học từ trải nghiệm là người học phải biết phản tỉnh, chiêm nghiệm trên các kinh nghiệm của mình để từ đó khái quát hóa và công thức hóa thành các khái niệm để có thể áp dụng nó vào các tình huống mới có thể xuất hiện trong thực tế; khi đó các khái niệm này được áp dụng và kiểm nghiệm trong thực tế để thấy được đúng – sai, hữu dụng – vô ích v.v…

Từ đó lại xuất hiện các kinh nghiệm mới, và chúng lại trở thành đầu vào cho vòng học tập tiếp theo, cứ thế lặp lại cho tới khi nào việc học đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: