Không cần phải điều tra để tìm ra ai đứng sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream, Tổng thống Trump đã tuyên bố. Ông không nêu tên thủ phạm, nhưng nói rõ rằng ông không tin rằng Nga có liên quan.
3 trong số 4 đường ống Nord Stream, được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức và phần còn lại của Tây Âu, đã bị hư hại do vụ nổ ở đáy Biển Baltic tháng 9/2022.
Ngày 6/5, một phóng viên của blog tài chính tự do ZeroHedge, đã được phép tham gia các sự kiện báo chí của Nhà Trắng dưới thời chính quyền mới.
Phóng viên trên lưu ý ông Trump trước đây bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga đã cho nổ đường ống của chính mình và hỏi Tổng thống liệu ông có đang lên kế hoạch khởi xướng một cuộc điều tra để tìm ra ai thực sự đứng sau vụ tấn công hay không.
Tổng thống Trump trả lời rằng nếu ông hỏi một số người nhất định, họ sẽ có thể trả lời mà không cần phải tốn nhiều tiền vào một cuộc điều tra. Tuy nhiên, ông nghĩ “rất nhiều người biết ai đã cho nổ nó.”
Phóng viên ZeroHedge cho rằng bình luận của ông Trump có nghĩa là “dựa trên thông tin tình báo, ông ấy biết chính xác ai đứng sau” vụ phá hủy đường ống khí đốt Nord Stream.
Điều này cho thấy “nên chấm dứt câu chuyện ‘Nga đã phá hủy đường ống quan trọng và sinh lợi về mặt kinh tế của chính mình’”, ZeroHedge nhấn mạnh.
Đầu tháng 2/2023, nhà báo điều tra kỳ cựu Seymour Hersh công bố một báo cáo tuyên bố Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden đã ra lệnh phá hủy Nord Stream.
Một nguồn tin có hiểu biết nói chuyện với nhà báo từng đoạt giải Pulitzer trên rằng chất nổ được kích ngày 26/9/2022 đã được thợ lặn của Hải quân Mỹ đặt tại các đường ống vài tháng trước đó dưới vỏ bọc của cuộc tập trận NATO có tên ‘Baltops 22’.
Nhà Trắng phủ nhận báo cáo trên, gọi đó là “hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn bịa đặt”.
Các quan chức cấp cao của Nga, gồm Tổng thống Vladimir Putin, trước đây đã chỉ đích danh Mỹ là thủ phạm có thể gây ra vụ nổ Nord Stream.
Họ lập luận rằng Washington có đủ phương tiện kỹ thuật để thực hiện hoạt động này và có thể hưởng lợi nhiều nhất, xét đến việc cuộc tấn công đã làm gián đoạn nguồn cấp năng lượng của Nga cho EU và buộc phải chuyển sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt tiền hơn do Mỹ cung cấp.