Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phản hồi nhiều nội dung về chính sách nhà giáo

GD&TĐ - Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo (sáng 6/5), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phản hồi nhiều vấn đề về chính sách nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo - sáng 6/5. Ảnh: Bùi Giang.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo - sáng 6/5. Ảnh: Bùi Giang.

Phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng giáo viên

Qua các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm nhận được tinh thần, sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu và ủng hộ ngành Giáo dục nói chung, dự thảo Luật Nhà giáo nói riêng. Các ý kiến bày tỏ mong muốn tính khả thi, thực tế, cụ thể, chi tiết, mạnh mẽ, bao quát, công bằng, bình đẳng hơn…

Bộ trưởng cho biết, ban đầu Ban soạn thảo Luật Nhà giáo thiết kế 96 điều. Với tinh thần xây dựng bản bản pháp luật mới, Ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban Văn hoá và Xã hội, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo còn 46 Điều. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu kỹ để xây dựng các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn” – Bộ trưởng nói.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng giáo viên. Bộ trưởng chia sẻ, dự thảo Luật Nhà giáo giao cho cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì việc tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp là cấp sở GD&ĐT. Quy định này sẽ thuận lợi cho việc tổ chức hội đồng tuyển dụng, từ khâu tổ chức cho đến đề thi, chấm thi…

Theo tinh thần phân cấp, phân quyền, ở đâu sử dụng lao động, thì nơi đó có quyền được tuyển dụng. Tuy nhiên, điều này khó khả thi với cấp mầm non, tiểu học sẽ gặp khó khăn khi thành lập hội đồng tuyển dụng. Vì thực tế, để thành lập hội đồng này, cần các yêu cầu, quy định khắt khe.

Do đó, cơ quan quản lý giáo dục sẽ đóng vai trò tổ chức tuyển dụng. Song, có thể xem xét phân cấp cho những cơ sở đủ năng lực; chẳng hạn nếu các trường THPT có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức tuyển dụng thì sẵn sàng phân cấp.

bgp-7834.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Bùi Giang.

Khuyến khích địa phương hỗ trợ nhà giáo

Nhấn mạnh đối tượng Luật Nhà giáo quy định, Bộ trưởng cho hay, luật chỉ quy định các đối tượng làm nghề giáo, với tư cách làm nghề chuyên nghiệp và đạt chuẩn. Còn các đối tượng khác như: nhân viên trường học, những người tham gia trong quá trình giáo dục, có các hoạt động giáo dục, thì sẽ có các quy định khác. Với Những người hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hành … chỉ cần có kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn là có thể khuyến khích tham gia vào hoạt động này.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất, không nên khuyến khích các địa phương ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ giáo dục. Việc này nhằm đảm bảo công bằng và để các tỉnh vùng sâu, vùng xa không gặp khó khăn trong việc thu hút giáo viên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với một số các địa phương có điều kiện, nên khuyến khích, dành nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục, nhà giáo. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh - thời gian qua đã chủ động dành nguồn kinh phí để hỗ trợ đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn. Từ đó, hạn chế tình trạng giáo viên chuyển, nghỉ việc. Vì thế, chính sách này rất đáng quý và nên khuyến khích.

Bộ trưởng nhìn nhận, chúng ta ủng hộ công bằng trong giáo dục nếu chính sách trên là điều tốt đẹp và công bằng. Làm sao để giáo viên có điều kiện được hưởng chế độ, chính sách tốt nhất. Sự công bằng không nên để tất cả đều khổ và khó như nhau.

“Ở đây chúng ta nên khuyến khích các nơi có điều kiện. Còn ở những nơi chưa có điều kiện thì Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ cho các địa phương đó” – Bộ trưởng nói.

Thực tế, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đang được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Thế nên, việc khuyến khích các địa phương có thêm các chính sách để hỗ trợ cho giáo viên là cần thiết. Cả trung ương và địa phương cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và nhà giáo.

Tiếp thu những ý kiến góp ý về mặt kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội để có thể điều chỉnh trước khi Luật Nhà giáo được thông qua. Với những nội dung cụ thể, chi tiết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng các nghị định, thông tư.

chudeo2.jpg
Ảnh minh họa/internet.

Hiện, Bộ GD&ĐT chủ trì sửa đổi, điều chỉnh cho 3 luật còn lại liên quan đến ngành Giáo dục gồm: Luật Giáo dục; Luật giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của kỳ họp sau. Khi đó, chúng tôi sẽ trình để đem lại sự đồng bộ trong chính sách văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ