Phó Giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết việc hợp tác nhằm xây dựng hệ thống ghép tạng cho bệnh viện chưa triển khai ghép như Bệnh viện Thống Nhất, hướng đến ưu tiên chia sẻ nguồn tạng hiến nhân đạo cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Giám đốc 3 bệnh viện ký hợp tác điều phối hiến và ghép thận nhân đạo, chống nạn buôn bán nội tạng, ngày 16/10. |
Giáo sư Trần Đông A, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ ca ghép thận đầu tiên năm 2004 ở bệnh nhi 12 tuổi đến nay, bệnh viện này mới chỉ thực hiện 16 ca do thiếu nguồn thận ghép. Tất cả ca ghép đều từ bố mẹ, người thân hiến tạng cho con cháu. Bệnh viện Nhi đồng 2 luôn mời đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ phẫu thuật lấy tạng.
"Ở Pháp và nhiều nước trên thế giới, nguồn hiến từ người cho sống rất ít, đa số là người cho chết não. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ trước đến nay chưa có ca ghép nào từ nguồn hiến của người cho chết não", giáo sư Đông A nói. Ông và nhiều đồng nghiệp đã từng đề xuất luật cho phép những trường hợp dưới 18 tuổi hiến tạng nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất bày tỏ rất nhiều lần bệnh viện có ý định triển khai ghép thận nhưng chưa thực hiện được. Lần này với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đã chuẩn bị nội lực tốt nhất để sớm tiến hành các ca ghép tạng.
Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu thận học TP HCM cho biết dù nỗ lực rất nhiều nhưng ngành ghép thận ở miền Nam chưa phát triển. Việc hợp tác giữa các bệnh viện góp phần chống nạn buôn bán tạng, đảm bảo việc điều phối nguồn thận hiến minh bạch.
Theo giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, quá trình ghép tạng đòi hỏi chuẩn bị nhiều khâu như người cho, người nhận, kỹ thuật ghép... Hiện nay ở nước ta khâu chuẩn bị người cho là kém nhất do nguồn hiến còn hạn chế, đòi hỏi các trung tâm phải hợp tác điều phối. Mô hình này cần được mở rộng ở nhiều bệnh viện khác.