(GD&TĐ)-Chiều nay (17/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức họp báo giới thiệu về hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam lần thứ 20.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Ban tổ chức cho biết, có 150 doanh nghiệp Việt Nam và 100 công ty nước ngoài tham gia với tổng diện tích trưng bày 6.500 m2.
Các công ty nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Séc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Riêng khu trưng bày của phía đối tác Nga có 63 doanh nghiệp với không gian trưng bày gần 600 m2.
Khối doanh nghiệp trong nước, gian trưng bày của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tại nhà A1 và của 20 doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp phụ trợ là những khu vực được đánh giá là nổi bật nhất trong triển lãm năm nay.
Sản phẩm chính được trưng bày, giới thiệu chủ yếu là thiết bị, máy móc, công nghệ, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chế tạo, năng lượng, thăm dò, khai thác mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, IT, thiết bị y tế, sản xuất hàng gia dụng và một số sản phẩm công nghiệp phục vụ tiêu dùng.
Khu trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nằm trong chương trình hợp tác giữa VCCI và UNIDO về "Lập quan hệ đối tác và phát triển thầu phụ công nghiệp Việt Nam" (SPX Việt Nam).
SPX Việt Nam cho biết, đã bắt đầu tiến hành việc lập hồ sơ năng lực các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam, đến nay đã hoàn thành gần 500 bộ hồ sơ và sẽ tiếp tục hoàn thành thêm 300 bộ hồ sơ nữa đến hết năm 2011.
Thời gian tới, SPX Việt Nam sẽ tổ chức hoạt động "đánh giá-đối chuẩn" nhà cung ứng. Hoạt động này sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp đã được lập hồ sơ, giúp họ tự đánh giá được năng lực hiện tại của doanh nghiệp mình và từng bước phát triển, nâng cao hơn nữa năng lực kỹ thuật và quản lý, trở thành những nhà cung cấp và nhà thầu phụ có tính cạnh tranh cao hơn đối với những người mua lớn.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Trưởng phòng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiêp nhỏ và vừa (SME PC) của VCCI, nhấn mạnh: Việt Nam chỉ có thể giảm nhập siêu và phát triển theo hướng trở thành nước công nghiệp khi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Đến 2015, Việt Nam sẽ tham gia đầy đủ thương mại tự do ACFTA, vì vậy nếu không kịp thời phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các quốc gia khác, ông Hùng lo ngại.
Trước đó, SPX Việt Nam đã tiến hành các hoạt động xây dựng hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp cung ứng trong nước, tập trung ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình và Thái Nguyên và thời gian tới, hoạt động của SPX Việt Nam sẽ mở rộng tới miền Trung và miền Nam.
Đến nay, SPX Việt Nam đã hoàn thành 301 bộ hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp trong nước và dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thành thêm 180 bộ hồ sơ doanh nghiệp đến hết tháng 9/2011.
Xuân Hương