Ngoài ra, có 95 bệnh nhân tiên lượng nặng, 109 bệnh nhân nặng phải thở oxy gọng kính, 13 bệnh nhân nặng phải thở máy không xâm nhập, 25 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy xâm nhập (trong đó 21 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) và 4 ca chạy ECMO (3 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và 1 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM).
Nếu theo tiêu chí diễn biến điều trị của bệnh nhân, có 82 bệnh nhân diễn biến nặng lên, 92 ca tiên lượng rất nặng, trong đó Bắc Giang và Hà Nội mỗi nơi có 35 ca, Bắc Ninh có 19 ca.
Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi Covid-19 cho 2.881 bệnh nhân, 45 trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, đợt dịch lần này có hai biến thể của virus SARS-CoV-2 đang rất phổ biến ở Việt Nam được phát hiện lần đầu ở Anh và Ấn Độ.
Biến thể ở Anh có tốc độ lây gấp 1,7 lần so với chủng virus trước đó, nhưng biến thể ở Ấn Độ còn lây nhanh hơn, mạnh hơn và mức độ rộng hơn, chiếm chủ yếu trong các ca nhiễm của đợt dịch này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định biến chủng Ấn Độ gây bệnh chủ yếu trong đợt dịch này có tốc độ lây lan rất nhanh, độc lực của virus khiến nhiều ca nặng hơn so với chủng trước đây.
Tại Bắc Giang, theo ông, số bệnh nhân nặng của địa phương này đang tăng lên, gây khó khăn cả về nhân lực, trang thiết bị y tế. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Bộ Y tế lưu ý kiểm tra kho để bổ sung trang thiết bị cho tỉnh này.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho rằng chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao.
Ông Khuê nhận định trong đợt dịch này, biến chủng Ấn Độ khiến chúng ta ghi nhận một số ca tử vong. Điều đáng lo đó chính là các bệnh nhân trẻ tuổi nhưng diễn biến nặng rất nhanh. Điều này có thể gây khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị.