Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp; Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hoàng Minh Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội).
Sau hơn 1 tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bế mạc vào chiều nay (27/11).
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với việc xem xét và quyết định nhiều nội dung về lập pháp, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Thông qua nhiều Bộ luật, luật, dự án luật và Nghị quyết
Tại kỳ họp này, các luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng... để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Quốc hội dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật. Các bộ luật, luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con ngươi, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chế độ, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Cụ thể, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; tiếp tục hoàn thiện các quy trình, thủ tục về tố tụng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ các cơ quan tư pháp, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính, các vụ việc dân sự, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ chức vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, của công dân, sự công tâm, khách quan của các cơ quan tố tụng.
Ngoài ra, Quốc hội thông qua dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác góp phần bảo đảm đầy đủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp để thực hiện các quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát tối cao của Quốc hội.
Buổi họp báo đã công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII |
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 (trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đòng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng).
Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 (trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 596.882 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán là 220.278 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương).
Tại buổi báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.
Quốc hội đã tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Từ đó quyết định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội năm 2016 và chuẩn bị trình Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 tại kỳ họp sau.
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những cơ hội thuận lợi chúng ta còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, căn cứ tình hình thực tiễn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2016.
Theo đó, Quốc hội đặt ra mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiên chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.
Đẩy mạnh thực hiện hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Cắt giảm chương trình mục tiêu quốc gia
Tại kỳ họp này có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Nội dung và cách thức tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới.
Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó Quốc hội đã quyết định cắt giảm từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia xuống còn 2 chương trình giai đoạn 2016-2020 gồm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đồng thời xem xét các báo cáo theo quy định của pháp luật như: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cả cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đén kỳ họp thứ 9.
Quốc hội bầu Tổng thư ký
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.