206 vụ cháy nổ trên địa bàn Hà Nội: Đa phần do sự cố điện

GD&TĐ -Thống kê từ Công an TP Hà Nội trong 6 tháng năm 2022 trên địa bàn thành phố xảy ra 206 vụ cháy khiến 22 người thương vong, thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng...

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCCH khống chế đám cháy nhà xưởng tại huyện Gia Lâm.
Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCCH khống chế đám cháy nhà xưởng tại huyện Gia Lâm.

Sáng 20/7, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội dự và chỉ đạo hội nghị.

Hơn 64% sự cố, thiết bị điện

Theo Công an TP Hà Nội tính đến 14/6, trên địa bàn thành phố xảy ra 206 vụ cháy, 12 người chết, 10 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng.

Loại hình xảy ra cháy là nhà dân đơn lẻ, nhà kho, xưởng sản xuất, hộ gia đình kết hợp kinh doanh... nguyên nhân chủ yếu do sự cố, hệ thống thiết bị điện 133 vụ (chiếm 64,56%).

Riêng trong tháng 4/2022, toàn thành phố xảy ra 26 vụ cháy, trong đó 1 vụ cháy lớn, 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 11 vụ cháy trung bình, 13 vụ cháy nhỏ. Đáng chú ý, xảy ra 1 vụ việc có đối tượng đốt gây cháy tại số 04, ngõ 60, tổ 4 phố Phú Đô, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) làm 1 người chết và 5 người bị thương. Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố hình sự đối với 1 đối tượng.

Đặc biệt, vụ hỏa hoạn (đêm 21/4), xảy ra tại số nhà 116 B9 Kim Liên (ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa. Mặc dù cháy không lớn, được lực lượng chức năng khống chế, dập tắt trong vòng 13 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin nhưng đã để lại hậu quả nặng nề, khiến 5 người trong một gia đình tử vong.

Bước vào tháng 5/2022, chỉ trong 2 ngày (1/5 - 2/5), Thủ đô Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy kho, xưởng lớn với diện tích từ 300m2 đến gần 1.000m2, gây thiệt hại ban đầu ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng.

Công an TP Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua các đơn vị đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, công tác điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, nắm tình hình đối với địa bàn, cơ sở được các đơn vị thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành được tăng cường.

Lực lượng chức năng kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ các công trình vi phạm theo quy định và công khai danh tính chủ đầu tư, tên, địa chỉ công trình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, giám sát thực hiện.

Đối với các chủ đầu tư chây ì, công trình vi phạm có nguy cơ gây cháy, nổ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, báo cáo chuyển cơ quan điều tra nghiên cứu, xem xét đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật...

Với công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu cũng được các đơn vị duy trì, thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, tiếp nhận, xử lý thông tin đảm bảo thông suốt, kịp thời và thực hiện tốt công tác hiệp đồng, phối hợp trong tổ chức chữa cháy.

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH xử lý đám cháy sáng 17/6 vừa qua tại khu tập thể cơ khí Hà Nội.

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH xử lý đám cháy sáng 17/6 vừa qua tại khu tập thể cơ khí Hà Nội.

Đề xuất đầu tư cho các địa bàn thiếu hạ tầng PCCC

Mới đây (ngày 19/7), Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm ký quyết định tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân thuộc Công an TP Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Theo quyết định, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen cho: Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an quận Ba Đình); Đại úy Trần Quốc Oai, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm; Trung tá Nguyễn Hùng An, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong thời gian qua đã đạt được.

Đại tá Trần Ngọc Dương cũng nhấn mạnh 7 yêu cầu đối với hệ lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính về lĩnh vực PCCC&CNCH.

“Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, được lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, do đó phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Công an các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng và trước thời hạn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp...”, Đại tá Trần Ngọc Dương lưu ý.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Đại tá Trần Ngọc Dương cũng nhấn mạnh, công tác tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ PCCC và CNCH luân phiên theo hình thức tập trung cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Để chủ động trong công tác chữa cháy, lực Cảnh sát PCCC phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND thành phố quan tâm đầu tư phát triển. Đặc biệt, các công trình cấp nước chữa cháy tại các địa bàn, khu vực còn thiếu nhằm đảm tốt công tác chữa cháy khi có tình huống xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ