Giáo sư ngành tâm lý học Đại học Havard, Howard Gardner đã nghiên cứu và chỉ ra 20 hành vi đặc biệt mà một đứa trẻ sở hữu trí thông minh tuyệt vời thường làm, nhằm giúp các bậc phụ huynh tham khảo, quan sát và có phương pháp giáo dục con phù hợp.
1. Trẻ có khả năng sử dụng tốt ngôn ngữ để miêu tả âm thanh.
2. Khi nghe bố mẹ đọc truyện, trẻ sẽ sửa chữa lại những từ mà bố mẹ dùng không giống với trong sách.
3. Trẻ thích kể chuyện cho người khác nghe và kể rất sinh động.
Nếu con bạn làm tốt điều 1, 2, 3, bé có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tốt.
Cách phát triển tiềm năng: Cha mẹ cần chú ý hướng dẫn và nâng cao khả năng ngôn ngữ của con. Ví dụ như trong khi kể chuyện, người lớn có thể bổ sung thêm nhiều từ ngữ và chi tiết như miêu tả cảnh vật, tâm lý động vật…
Hãy biến kết thúc của câu chuyện thành kết thúc mở để cả gia đình cùng nhau chơi trò “kể chuyện tiếp sức”, dẫn con đến những nơi có cảnh quan đặc sắc để con quan sát và miêu tả lại những gì mình nhìn thấy.
Khi con hớn hở kể với bố mẹ về giấc mơ trong tưởng tượng của mình, bạn hãy chen thêm những câu hỏi để khích lệ con trần thuật nó thêm sinh động, hợp lý. Bố mẹ cũng nên khuyến khích con sử dụng từ ngữ để biểu đạt trạng thái và những biến đổi cảm xúc của bản thân.
4. Trẻ hay đặt câu hỏi lạ, kiểu như: Tại sao người không thể bay?
5. Trẻ thích phân loại đồ chơi theo kích thước to nhỏ, màu sắc…
Trẻ có hành vi 4, 5, có khả năng tư duy logic và thiên phú về phương diện khoa học tự nhiên.
Cách phát triển tiềm năng: khuyến khích và phát triển khả năng tư duy logic của trẻ. Trong giai đoạn trẻ học xem giờ, bố mẹ có thể cho con chơi trò “xem đồng hồ qua gương” để con có thể xác định đúng giờ của kim đồng hồ qua hình ảnh trong gương.
Cũng có thể trộn lẫn các loại đồ chơi vào nhau và để con tự mình phân loại, sắp xếp. Kiểm tra khả năng ghi nhớ con số và tính toán của con bằng cách: vừa bước cầu thang vừa cho con đếm, sau đó hỏi con: “Mẹ đi từ tầng 7 xuống có tất cả bao nhiêu bậc thang?”, “Mẹ đi từ tầng 2 lên tầng 5 phải qua bao nhiêu bậc thang?”.
6. Trẻ thích hát theo tiết tấu nhạc cụ.
7. Trẻ thích lắng nghe âm thanh phát ra từ các loại nhạc cụ và có thể phán đoán là loại nhạc cụ nào.
8. Trẻ có thể nhớ chính xác ca từ và thuộc những đoạn nhạc hay phát trên TV.
Nếu con bạn có khả năng 6, 7, 8, trẻ có thiên phú về âm nhạc
Cách phát triển tiềm năng: Độ tuổi nhi đồng là thời điểm khả năng âm nhạc của trẻ phát triển tốt nhất. Vì thế, cha mẹ nên dạy con nắm vững một số kiến thức và kỹ năng âm nhạc cơ bản như: ký hiệu âm nhạc, khuông nhạc, nhịp điệu bài nhạc; kỹ năng phân biệt 1 số cách hát cơ bản, cách chơi và kiến thức về 1 số loại nhạc cụ thông dụng như đàn organ, accordion, violin, đàn nhị…
Nếu như con còn nhỏ mà đã nắm được kiến thức cơ bản, chúng ta cũng không nên đặt ra yêu cầu quá cao, quá khó đối với con.
9. Trẻ phân biệt phương hướng tốt, ít lạc đường.
10. Khi ngồi trên xe, trẻ nhớ rõ những biển báo, biển chỉ đường đã gặp và sau đó có thể nhắc lại được mình đã từng đi qua nơi này khi nào.
11. Trẻ thích vẽ tranh, có thể phác họa vật thể giống với hình ảnh thực.
Trẻ có biết hiện 9, 10, 11, có khả năng hình dung không gian tốt
Cách phát triển tiềm năng: Tạo cơ hội để trẻ làm quen với thao tác trên bản đồ, ví dụ như tìm đường đến bến xe bus… Để trẻ nhận định xem bức tranh bạn mình vẽ có sự tương đối phù hợp về độ to nhỏ, xa gần hay không.
Khi đến siêu thị, bố mẹ hãy thử cho con đi tìm quầy thu ngân nào đó để tìm mình. Ban đầu có thể áp dụng tại siêu thị nhỏ nhưng sau này chúng ta hãy nâng mức khó lên với những siêu thị có quy mô hình chữ L hay chữ U.
Tuy nhiên, nhớ dặn dò con, nếu tìm sai địa điểm, tuyệt đối phải nhờ nhân viên siêu thị giúp đỡ, nêu rõ tên tuổi và đặc điểm của bố mẹ mình.
Ngoài ra, bạn có thể cùng con chơi trò “mê cung” trên giấy hoặc thay đổi lộ trình đến công viên và hỏi con: “Con đoán xem có phải mình đến 1 công viên mới rồi không?”.
12. Trẻ biết kết hợp hành vi với cảm xúc, ví dụ như: “Vì tức giận nên con mới làm như thế”.
13. Trẻ biết phán đoán nên và không nên làm gì.
Trẻ làm điều 12, 13 , có khả năng tự nhận thức rất tốt
Cách phát triển tiềm năng: Bố mẹ hãy giảng giải, phân tích để bồi dưỡng quan điểm nhận thức của con. Sau khi hình thành nhận thức đúng sai, quan điểm riêng của trẻ cũng dần được hình thành, không chỉ đơn thuần là tin vào tất cả mọi điều người khác nói.
Với những đứa trẻ như thế này, người lớn cần chỉ dạy bằng cả tình yêu lẫn lý trí, khi bé làm sai cũng không nên nghiêm khắc phê bình ngay mà phải để bé có cơ hội suy nghĩ lại.
Bạn có thể hỏi con: “Tại sao con lại làm như vậy?”, “Con có biết mình sai ở đâu không?”. Cần kiên nhẫn với thất bại của con, để trẻ tự rút ra bài học sau sai lầm và hỏi con: “Lần sau con sẽ làm thế nào?” nhằm phát huy không ngừng khả năng tự nhận thức ở trẻ.
14. Trẻ giỏi xác định những điểm khác biệt dù là nhỏ nhất.
15. Trẻ thích nghịch hoa cỏ, động vật hơn là chơi đồ chơi.
Trẻ có biểu hiện như điều 14, 15 thường có ưu thế về sinh học, tự nhiên.
Cách phát triển tiềm năng: Để tập trung nuôi dưỡng trí tuệ tự nhiên của trẻ, cần đưa trẻ đến gần với thiên nhiên. Ví dụ như bố mẹ đưa con đi tìm hiểu, nghe phân tích về những đặc trưng riêng của mỗi loài chim; quan sát chi tiết cách sinh sống của loài kiến, thu thập tài liệu, hình ảnh về sinh vật đó và khai thác thêm những điều mới mẻ mà trong tài liệu chưa có.
Cách tiếp xúc với thiên nhiên tốt nhất là trồng hoa cỏ, gần gũi vật nuôi. Nếu như điều kiện gia đình không cho phép, bạn có thể cho bé trồng một chậu cây nhỏ ở ban công và ghi chép chi tiết quá trình sinh trưởng của nó. Hoặc có thể cho trẻ nuôi thú cưng, để con biết cách chăm sóc động thực vật, đồng thời biết trân trọng một sinh mệnh.
16. Trẻ thích tự mình hành động, học 1 lần là biết làm.
17. Trẻ đặc biệt thích bắt chước lời thoại, hành động của nhân vật trong kịch, tuồng…
Nếu nhận thấy trẻ có đặc điểm số 16, 17, bé thường thế mạnh về thể chất, vận động.
Cách phát triển tiềm năng: Đối với những đứa trẻ như vậy, nếu như cha mẹ tạo cho con không gian hoặc sân khấu phù hợp, sẽ là cơ hội tốt để con rèn luyện hoạt động của thân thể và kỹ năng vận động khéo léo, đặc biệt có thể đánh thức trí sáng tạo, tưởng tượng của trẻ. Cha mẹ cũng nên cho con tham gia các hoạt động hoặc lớp học có liên quan như: lớp thể thao, khiêu vũ, biểu diễn văn nghệ….
18. Trẻ biết quan sát và cảm nhận được cảm xúc của bố mẹ, hiểu được họ đang vui hay buồn.
19. Cử chỉ tự nhiên, hành động lễ phép, điềm đạm.
20. Trẻ nhìn thấy người lạ thường nói kiểu câu: “Người này giống với ai đó”
Trẻ có biểu hiện số 18, 19, 20 thường có ưu thế về giao tiếp xã hội
Cách phát triển tiềm năng: Giới thiệu nhiều về trẻ trước mặt khách và dựa vào tính cách của khách để lựa chọn cho con 1 người “bạn lớn tuổi” cùng con trò chuyện nhằm củng cố thế mạnh “làm quen” của con.
Tạo cơ hội cho con quen biết nhiều bạn mới và góp ý sửa chữa những biểu hiện sai của con khi tiếp xúc với bạn, khích lệ và hướng dẫn cho con cách cư xử đúng mực.