Stephanie Brown - nhà văn về nuôi dạy con tại Mỹ và là người có kinh nghiệm trong chương trình Head Start cũng như các trung tâm chăm sóc trẻ em, đã gợi ý một số hoạt động phụ huynh có thể thực hiện ở nhà với trẻ. Nhờ đó, giúp bảo đảm trẻ luôn năng động và sẵn sàng tham gia vào các trò chơi.
Bà Brown cho biết, cha mẹ có thể lên kế hoạch thực hiện một vài hoạt động mỗi ngày. Mỗi hoạt động có thể kéo dài 10 phút hoặc lâu hơn, nếu khả năng chú ý của trẻ cho phép.
Vượt chướng ngại vật
Hãy sáng tạo và sử dụng bất cứ thứ gì phụ huynh có xung quanh nhà để xây dựng chướng ngại vật phù hợp với trẻ. Cha mẹ có thể để con thực hiện động tác trèo qua một chiếc gối lớn. Sau đó, cho trẻ trườn qua hộp các-tông, đi vòng quanh chiếc ghế và cuối cùng là chạy qua cửa.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tăng phần thú vị cho hoạt động này, bằng cách bắt đầu cuộc đua với một hồi còi. Một dải băng giấy ở vạch đích cũng là yếu tố khiến trò chơi thêm phần tuyệt vời, khi trẻ hoàn thành “cuộc đua”.
Trốn tìm
“Một số trẻ nhỏ có thể sợ hãi khi trốn, hoặc không thể tìm thấy cha mẹ nếu phụ huynh trốn. Vì vậy, hãy thận trọng khi chơi trò này. Cha mẹ hãy trốn ở những khu vực rõ ràng, mà con có thể dễ dàng nhìn thấy chân hoặc cánh tay của phụ huynh. Hãy chơi theo cách này cho tới khi trẻ cảm thấy thoải mái với trò trốn tìm”, bà Brown gợi ý.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng được khuyến khích tạo ra tiếng ồn nhỏ bằng cách hắng giọng hoặc ho. Nhờ đó, hỗ trợ con tìm kiếm dễ dàng hơn.
Nhảy
Khiêu vũ là một cách tuyệt vời để giúp trẻ yêu thích hoạt động thể chất. Thông thường, trẻ có xu hướng yêu thích âm nhạc và chuyển động cơ thể theo nhịp. Vì vậy, phụ huynh chỉ cần chọn một số bài hát ngẫu nhiên trong ngày và để con “phiêu” theo nhạc.
Yoga và các bài tập có tổ chức khác
“Nếu cha mẹ đã tập một số hoạt động có tổ chức tại nhà như thể dục nhịp điệu hoặc yoga, hãy cho trẻ tham gia”, bà Brown bày tỏ.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy trẻ sẽ khó để tham gia buổi tập luyện từ đầu đến cuối, phụ huynh chỉ cần mời con khởi động hoặc thư giãn ở 10 phút sau.
Ngoài ra, nữ chuyên gia này cho rằng, cha mẹ có thể “thiết kế” thêm 10 phút “hạ nhiệt”, hoặc thậm chí là một chuỗi yoga đặc biệt dành riêng cho con. Mặc dù đây là khoảng thời gian phụ huynh rèn luyện thể thao, nhưng trẻ cũng nên được chia sẻ điều này và học hỏi từ tấm gương tốt của cha mẹ.
Giãn cơ
Theo bà Brown, việc dạy trẻ giãn cơ mỗi sáng là một cách tuyệt vời để thực hiện một số hoạt động thể chất. Trẻ có thể học các động tác giãn cơ như vươn tay lên trời và tiếp tục vươn tay, chạm vào ngón chân hoặc cúi người sang một bên.
Phụ huynh hãy đưa ra những động tác đơn giản và hướng dẫn con. Sau đó, trẻ sẽ có thể tự làm điều đó.
Diễu hành
Diễu hành thường được biết đến là một hoạt động nhằm thể hiện niềm vui và ăn mừng. Vì vậy, bất cứ khi nào có lý do, cha mẹ và con hãy nhảy theo giai điệu vui vẻ và diễu hành quanh nhà.
“Một chiếc váy mới? Đôi giày mới? Một con thú nhồi bông hoặc đồ chơi mới? Đó là tất cả những lý do để vui vẻ diễu hành qua tất cả các phòng của ngôi nhà”, bà Brown chia sẻ.
Đi tìm đồ vật
Phụ huynh có thể chọn một số đồ và giấu chúng quanh nhà. Sau đó, hãy tạo một danh sách với các bản vẽ hoặc hình ảnh của món đồ cần tìm. Nhờ đó, giúp con có “manh mối” để thực hiện “nhiệm vụ”. Tuy nhiên, các phụ huynh không nên giấu đồ ở những vị trí khó.
Tìm đồng hồ
Bà Brown gợi ý, cha mẹ có thể giấu đồng hồ ở một vị trí nào đó trong nhà. Trước khi bắt đầu, hãy hẹn giờ khoảng 5 - 10 phút. Sau đó, cha mẹ cần khuyến khích con bước vào hành trình tìm đồng hồ nhờ tiếng tích tắc.
Phụ huynh có thể gợi ý vị trí bằng cách nói “gần hơn/xa hơn” hoặc “nóng hơn/lạnh hơn”. Hoặc, cha mẹ cũng có thể tăng hoặc giảm tần suất vỗ tay khi con đến gần vật cần tìm.
Trò chơi lên và xuống
Hãy để trẻ cầm một đồ vật (cờ là vật dụng đặc biệt thú vị đối với trò chơi này). Sau đó, hãy yêu cầu con đưa món đồ đó lên cao nếu cha mẹ nói từ liên quan đến độ cao.
Ngược lại, con sẽ phải đưa món đồ xuống thấp nếu phụ huynh nói từ có mối liên hệ với “thấp”. Ví dụ, nếu cha mẹ nói “kiến”, con sẽ phải đưa món đồ xuống thấp. Nếu từ phụ huynh nói là “bầu trời”, trẻ cần phải đưa đồ vật lên cao.
Thăng bằng
“Giữ thăng bằng không chỉ là một hoạt động thể chất, mà còn xây dựng kỹ năng nhận thức và giúp con hiểu hơn về cơ thể. Để bắt đầu, hãy sử dụng một vật gì đó mềm dẻo để trẻ cố gắng đi vài bước chân khi có món đồ này trên đầu. Con có thể cố giữ thăng bằng bằng cách dang rộng hai tay”, bà Brown cho biết.
Khi đã thành công với một món đồ mềm, dẻo, trẻ có thể thử thách bản thân bằng việc đặt một cuốn sách nhỏ trên đầu và đi.
Hoạt động với bóng
Theo bà Brown, mặc dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng trẻ sẽ nhận được nhiều niềm vui thông qua hoạt động này.
“Phụ huynh và con ngồi dang rộng chân. Sau đó, chạm hai bàn chân vào nhau và truyền bóng qua lại. Mở rộng hoạt động bằng cách cố gắng truyền và bắt bóng chỉ bằng một tay hoặc nhắm mắt thực hiện”, nữ chuyên gia gợi ý.
Một hoạt động vui nhộn khác mà trẻ có thể thực hiện tại nhà là chạy cùng bóng. Cha mẹ hãy yêu cầu con đứng nguyên một chỗ. Trong khi đó, phụ huynh cầm bóng chạy tới những điểm mình muốn. Sau đó, cha mẹ hãy truyền bóng cho con và yêu cầu trẻ chạy lại đúng đoạn đường phụ huynh từng thực hiện.