Theo Thông tư này, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học, bao gồm:
Mục tiêu và chuẩn đẩu ra của chương trình đào tạo; Bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; Hoạt động dạy và học; Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, trợgiảng; Đội ngũ nhân viên; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu; Quản lý triển khai chương trình đào tạo; Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; Kết quả đầu ra.
Các tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được đánh giá theo thang 7 mức, trong đó:
Mức 1: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay.
Mức 2: Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục.
Mức 3: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu.
Mức 4: Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí.
Mức 5: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí.
Mức 6: Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí.
Mức 7: Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí.
Các tiêu chí được đánh giá từ mức 1 đến mức 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 đến mức 7 là đạt yêu cầu.
Cơ sở giáo dục đại học có thực hiện chương trình đào tạo căn cứ vào tình hình cụ thể, chủ động lập kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn và có các biện pháp thực hiện tốt kế hoạch đề ra.
Đồng thời, thực hiện việc tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài và các nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Đối với từng chương trình đào tạo cụ thể, có thể lựa chọn đánh giá theo tiêu chuẩn ban hành tại Thông tư này hoặc theo tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo từ xa của tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín, được Bộ GD&ĐT công nhận.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 9/10/2020.